Nhà kinh tế học từng giành giải Nobel, Nouriel Roubini nhận định, thảm họa thiên nhiên xảy ra đúng thời điểm tồi tệ nhất khi Nhật Bản đang nỗ lực cắt giảm các khoản nợ khổng lồ của mình.
Tại sao đồng yên mạnh bất chấp thảm họa?
Trong các phiên giao dịch sau siêu động đất và sóng thần, đồng tiền của Nhật Bản chứng kiến sự tăng giá khá mạnh, tại thị trường New York phiên ngày hôm qua, đồng Yen vượt qua mức 79,75 Yen một USD và tiếp tục lên mức khoảng 77 Yen một USD.
Ông Kathleen Brooks, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Forex.com, cho rằng: “Động đất nhiều khả năng sẽ khiến dòng vốn lại tìm đến đồng Yen để có tiền cho công cuộc tái thiết nước Nhật. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật giúp nước này có thể bán được tài sản và mang đồng Yen về nước”. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã từng làm tương tự vào năm 1995 khi Nhật đương đầu với động đất lớn”.
Theo ông Mario Sant Singh, người sáng lập Học viện FX1 chuyên về tài chính ngoại tệ, có hai lý do giải thích cho “sức mạnh” của đồng yen hiện tại, là tỷ lệ lãi xuất thấp và dòng tiền hồi hương.
Với tỷ lệ lãi xuất gần như thấp nhất thế giới là 0,1%, Yen là đồng tiền gây quỹ phổ biến đối với các nhà đầu tư, những người muốn kinh doanh mạo hiểm. Các thương nhân vay vốn bằng đồng Yen và mua các tài sản mang lại lợi nhuận khác, ví dụ đồng đô-la Australia, với mức lãi xuất 4,75%. Tuy nhiên, khi thảm họa ập đến, sự sợ hãi và hoảng loạn xuất hiện, khiến các nhà kinh doanh bán tháo các tài sản và mua lại đồng Yen. Đó là nguyên nhân khiến đồng tiền này tăng giá.
Ngoài ra, đồng Yen còn có xu hướng tăng khi các dòng tiền đổ về Nhật Bản. Điều này thường xảy ra vào tháng 9, kết thúc nửa năm tài chính cũng như vào tháng 3 là tháng kết thúc năm tài khóa. Tuy nhiên, là một quốc gia xuất khẩu, Nhật Bản “ăn nên làm ra” nhờ đồng Yen yếu. Chính vì vậy, trước tình trạng đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã lập tức bơm thêm gần 20.000 tỷ Yen vào thị trường tiền tệ nhằm ổn định tài chính.
“Với những chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ của chính phủ Nhật Bản, tôi không cho rằng đồng Yen sẽ tăng giá quá mạnh trong những tuần tiếp theo”, ông Mario Sant Singh nhận định.
Kinh tế Nhật 'lên trầm xuống bổng'
Những tác động trực tiếp đến Nhật Bản rất khó để định lượng nhưng lại tương đối dễ để phác thảo. Sản xuất sẽ “giơ đầu chịu báng”, các hãng ô tô Nhật Bản đều tạm “treo giò” các dây chuyền sản xuất trong nước. Tập đoàn Sony đóng cửa 6 nhà máy thành viên. Các nhà máy bia Kirin, Asahi và Sapporo ước tính sản lượng giảm 40%.
Các nhà kinh tế của Viện nghiên cứu kinh tế Nomura đã từng dự đoán Nhật Bản sẽ vượt qua “giai đoạn kinh tế trầm lắng” trong quý hai của năm nay. Nhưng giờ đây, họ cho rằng điều đó sẽ không xảy ra cho tới quý ba hoặc quý bốn của năm. “Cân nhắc sự gián đoạn về cơ sở hạ tầng như đường xá, các cơ sở sản xuất điện, chúng tôi nghĩ rằng ảnh hưởng ngắn hạn tới hoạt động kinh tế của Nhật Bản sẽ lớn hơn trận động đất tại Kobe năm 1995”, họ nói.
Các học giả nghiên cứu về nền kinh tế sau thảm họa thiên nhiên cho rằng, các nước giàu có sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn những quốc gia nghèo và đôi lúc sự phục hồi đó còn nhanh hơn dự đoán. Một chuyên gia kinh tế ĐH Purdue từng viết: “Rất nhiều, hay chính xác hơn là hầu hết, các chuyên gia và phương tiện truyền thông khảo sát và dự đoán phải mất tầm 10 năm Kobe mới có thể tái xây dựng và phục hồi nền kinh tế. Trên thực tế, chỉ chưa đầy 15 tháng, hoạt động sản xuất ở đây đã vực dậy được tới 98% như trước khi động đất. Sau 18 tháng, tất cả các cửa hàng đã mở cửa trở lại. Trục đường cao tốc chính được xây dựng lại trong 21 tháng và cảng mở cửa hoạt động sau 26 tháng”.
Ngược lại, Haiti vẫn đang vật lộn để phục hồi sau sự hủy diệt khủng khiếp của trận động đất tháng 1/2010. Và sự tái thiết như lúc đầu vẫn chưa quay trở lại khu vực Aceh, Indonesia sau sóng thần năm 2004.
Tuy nhiên, tình hình của Nhật Bản bây giờ đã khác so với thời Kobe 1995. Tổng số nợ quốc gia của “xứ sở phù tang” đã vượt mức 200% sản lượng kinh tế của năm 2010 theo như ước tính của Qũy Tiền tệ quốc tế IMF. Con số này gấp đôi khoản nợ của Nhật Bản vào năm 1995.
Về nguyên tắc, Nhật Bản có thể dễ dàng giải quyết những hóa đơn này bởi suy cho cùng đây là một quốc gia giàu có. Và thậm chí nếu con số đó gấp 10 lần thời Kobe, quốc gia này có thể chỉ cần thêm 7% điểm tỷ lệ nợ so với GDP. Không giống như Mỹ, Nhật Bản dựa chủ yếu vào tiết kiệm nội địa để cho vay tiền với mức lãi suất cực kỳ thấp.
Mặc dù vậy, sự phục hồi của Nhật Bản còn phải dựa phần nhiều vào phản ứng của thị trường toàn cầu. Nếu các nhà đầu tư lo sợ trước mức độ nợ công cao “vời vợi” ở châu Âu và Mỹ, và buộc Nhật Bản tăng lãi suất cho vay thì có thể gây ra những căng thẳng tài chính.
Có quan điểm tương đối lạc quan hơn, Arjuna Mahendaran, Giám đốc chiến lược khu vực châu Á của HSBC cho rằng các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí của Nhật sẽ bán các tải sản ở nước ngoài để mang vốn trở lại nội địa, qua đó hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế sau động đất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận với hãng tin BBC rằng nền kinh tế vốn chưa thực sự khoẻ mạnh của Nhật chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. “Trong ngắn hạn, trận động đất sẽ lấy đi ít nhất 1% GDP của Nhật. Nước này sẽ mất khoảng một năm sau đó để phục hồi và những tín hiệu tốt có thể sẽ được chờ đón trong vòng 12 tháng tới”, chuyên gia David Cohen của Action Economics nhận định.
Các chuyên gia kinh tế hiện cũng lo ngại về chi phí khôi phục hạ tầng, kinh tế của Nhật sau trận động đất sẽ rất lớn: “Cần nhiều tỷ USD để khắc phục hậu quả trận động đất này. Nó sẽ làm phồng hơn nữa túi nợ của nước Nhật”, Giám đốc Mahendaran của HSBC nhận định.
(Báo Đất việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com