Nhật Bản cung cấp những sản phẩm giá trị cao vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng thảm họa động đất và sóng thần vừa qua khiến nhiều nhà máy bị đóng cửa, sản xuất ngưng trệ, dẫn tới nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2007, nhiều nhà quan sát đã không khỏi bất ngờ trước những phát hiện mới về hoạt động ngân hàng hiện đại. Không phải những khoản cho vay dưới chuẩn đầy rủi ro, mà chính sự phức tạp và khó hiểu vô cùng của nền tài chính đã khiến họ ngỡ ngàng.
Cụ thể hơn, trước năm 2007, các chủ ngân hàng đã tạo ra vô số các chuỗi tài chính xuyên quốc gia chằng chịt và phức tạp. Và dù những chuỗi này có vẻ giúp cho hệ thống trở nên hiệu quả và an toàn hơn trong điều kiện bình thường, nhưng khi thảm họa xảy ra, chúng lại tạo ra những rủi ro mới, khiến các nhà đầu tư thực sự choáng váng.
Nhưng liệu những bài học này của nền tài chính thế giới có thể áp dụng cho ngành chế tạo toàn cầu hay không? Câu hỏi trên đang nổi lên khi các nhà đầu tư đánh giá ảnh hưởng lâu dài từ trận động đất diễn ra tại Nhật Bản. Trong mấy thập niên qua, vai trò của Nhật Bản trong nền kinh tế toàn cầu đã thu hẹp tương đối khi kinh tế nước này rơi vào đình trệ trong khi các nước khác, như Trung Quốc, nổi lên mạnh mẽ.
Nhưng Nhật Bản vẫn đóng một vai trò quan trọng trong một số chuỗi cung ứng, nổi bật nhất là hai ngành ô-tô và điện tử. Đơn cử, nước này sản xuất khoảng 30% thẻ nhớ flash (dùng trong các máy ảnh điện tử và điện thoại thông minh) và khoảng 15% bộ nhớ D-Ram (dùng trong các máy tính cá nhân) của thế giới.
Khi nhiều công ty Nhật Bản đứng trước khả năng đóng cửa tạm thời hoặc ngừng sản xuất một phần, trận động đất đã mang lại một sự thật không mấy dễ chịu cho các nhà đầu tư: trong thế giới hiện đại, không dễ đánh giá mỗi mối liên kết xuyên biên giới có thể hiệu quả ra sao, trong sản xuất cũng như trong tài chính.
Một phần vấn đề là, chuỗi cung ứng thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất chủ chốt đang vươn ra các biên giới ngày càng nhiều hơn. Ví dụ, năm ngoái Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thử tiến hành đánh giá cách thức sản xuất ra chiếc điện thoại iPhone. Kết quả phát hiện là một mô thức sản xuất hết sức phức tạp, thường có ở rất nhiều lĩnh vực. "Sản xuất iPhone có sự tham gia của 9 công ty, có trụ sở tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Trung Quốc, Đức và Mỹ", ADB ghi nhận, và nói thêm, "các nhà sản xuất và cung cấp lớn bao gồm Toshiba, Samsung, Infineon, Broadcom, Numonyx, Murata và Cirrus Logic".
Hiện tại, trên lý thuyết, sự chắp vá phức tạp từ các tên tuổi và quốc gia có nghĩa là, các công ty có rất nhiều lựa chọn về nơi sản xuất. Tuy nhiên, thực tế, việc cắt giảm chi phí để duy trì tính cạnh tranh đã buộc các công ty phải tổ chức hoạt động đến mức độ nếu có sự cố xảy ra với một công đoạn nào đó trong chuỗi cung xuyên quốc gia phức tạp của họ, toàn bộ hệ thống có thể sẽ bị đình trệ. Hơn nữa, do các công ty cạnh tranh thường có xu hướng hợp lý hóa sản xuất theo cách rất giống nhau, nên làm tình hình thêm bế tắc và lỗ hổng càng khó khắc phục. Các chiến lược tưởng chừng hợp lý với cá nhân mỗi công ty lại có thể tạo ra những lỗ hổng lớn ở cấp độ vĩ mô, lặp lại mô hình từng thấy trong ngành tài chính.
Đơn cử, vài năm trước, dây chuyền sản xuất của các hãng xe hơi châu Âu đã phải ngừng hoạt động một thời gian khi phát sinh vấn đề tại một nhà máy châu Á là nơi duy nhất sản xuất dây lưng an toàn. Thực tế, Zurich - một tập đoàn bảo hiểm - đã xem xét tới hơn 1.000 trường hợp trong hơn năm năm qua mà các công ty phải lặng lẽ chịu đựng vì những gián đoạn ở một nhà máy sản xuất linh phụ kiện quan trọng, hay ở một giai đoạn vận chuyển quan trọng.
Năm ngoái, Business Continuity Institute (một viện chuyên hỗ trợ các công ty duy trì hoạt động liên tục) công bố một khảo sát về các công ty gặp sự cố trong chuỗi cung ứng sản xuất, kết quả là ¾ bị gián đoạn do những sự cố bất ngờ (từ thời tiết cho tới y tế hay động đất). Một phần tư trong số này cho biết vấn đề sau đó trở nên tồi tệ hơn.
"Trên thị trường toàn cầu cạnh tranh cao trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp thực hiện các chiến lược tiết kiệm chi phí để duy trì lợi nhuận, bao gồm chiến lược vận chuyển just-in-time (hay còn có tên gọi "Đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết") các tài nguyên và bộ phận quan trọng", Nick Wildgoose - Giám đốc sản xuất chuỗi cung ứng tại Zurich - nói. "Nhưng một vài trong số những cách tiết kiệm ban đầu này đang biến thành những liên kết vận hành yếu kém, đặc biệt trong chuỗi cung ứng kéo dài".
Tin tốt lành, như ông Wildgoose ghi nhận, là nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vấn đề này: không ít công ty đã bắt đầu phát triển chiến lược giảm nhẹ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Tin xấu, như Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây cảnh báo, là nhiều trong số những lỗ hổng trong những chuỗi này vẫn chưa được giải quyết hoặc nhìn nhận thấu đáo.
Vậy tình thế của các công ty trong quan hệ với Nhật Bản lúc này ra sao? Cho tới nay, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng khả năng xảy ra gián đoạn chuỗi cung vẫn rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu nhiều nhà máy phải đóng cửa một thời gian dài, thiệt hại có thể lan rộng. Dù kết quả ra sao, các sự kiện vừa qua tại Nhật Bản đã cảnh báo chúng ta đúng lúc rằng tài chính không phải là lĩnh vực duy nhất trong đời sống thế kỷ 21 mà các nhà đầu tư vẫn cần phải hiểu rõ. Do đó, thị trường có vẻ hiện đang ở tình trạng tiềm ẩn rủi ro.
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com