Các cường quốc thương mại chủ chốt vẫn còn tranh cãi về những việc phải làm để có thể kết thúc Vòng đàm phán Doha đã kéo dài nhiều năm qua.
Đại sứ tại WTO của Brazil, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Mỹ đều cho biết tuy đã làm được khá nhiều việc, song các bên vẫn chưa nhất trí về những việc cần phải làm để có thể hoàn tất vòng đàm phán nhằm mở rộng thương mại toàn cầu và giúp các nước đang phát triển thịnh vượng hơn thông qua thương mại.
Các nhà lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha. Điều này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho tất cả thành viên WTO mà còn củng cố đối tác toàn cầu trên cơ sở buôn bán toàn cầu mở, tăng cường sự minh bạch và khả năng có thể dự báo trước được của hệ thống buôn bán đa phương vốn đã được thử thách qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mới đây.
Vòng đàm phán Doha đã được khởi động cách đây gần 9 năm, song các cuộc thương lượng đã đổ vỡ vào tháng 7/2008 và liên tục đi vào ngõ cụt kể từ đó tới nay. Các thành viên WTO vẫn tranh cãi về công thức giảm trợ cấp nông nghiệp ở những quốc gia giàu như Mỹ và EU, để đổi lấy việc cắt giảm thuế nông sản ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Ngoài ra, những bất đồng về các đề xuất mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hoá và dịch vụ trên toàn cầu cũng là nhân tố then chốt đẩy Vòng đàm phán Doha vào thế bế tắc.
Đại sứ Trung Quốc Sun Zhenyu tại WTO cho biết nhiều nước thành viên WTO nhận thấy rằng trong các cuộc đàm phán, nhất là trong hai năm qua, Mỹ dường như đang bỏ rơi vai trò lãnh đạo của mình. Theo Đại sứ Sun Zhenyu, trong khi đòi các nước đang phát triển phải nhượng bộ nhiều hơn để tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do toàn cầu, phía Mỹ lại không chịu nhượng bộ trong những vấn đề liên quan đến các nước đang phát triển.
Về phần mình, EU cũng kêu gọi Mỹ đóng góp nhiều hơn trong các cuộc đàm phán và có quan điểm thực tế hơn trong việc đòi hỏi sự nhượng bộ của các nước khác. Trưởng đoàn đàm phán của EU John Clarke nói đã có những dấu hiệu cho thấy những cam kết cũng như sự sốt sắng của Mỹ không còn được như trước.
Bên cạnh Vòng đàm phán Doha, Mỹ hiện đang bị chỉ trích gay gắt về các chính sách thương mại, trong đó Trung Quốc đặc biệt lên án cách thức mà Mỹ điều hành nền kinh tế cũng như duy trì sự ổn định của đồng USD. Các chính sách nông nghiệp của Mỹ cũng là một điểm gây tranh cãi khác và đang là một trở ngại khiến Vòng đàm phán Doha rơi vào bế tắc. Đại diện của Brazil tại WTO Roberto Azevedo cho biết nông nghiệp chỉ chiếm 0,8% GDP của Mỹ và chỉ tạo công ăn việc làm cho 1,4% lực lượng lao động, nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong các biện pháp hạn chế và bóp méo thương mại của Mỹ. Theo ông Azevedo, những trợ giá nông nghiệp của Mỹ là yếu tố chủ chốt khiến các Vòng đàm phán Doha về thỏa thuận thương mại tự do toàn cầu bị kéo dài.
Một quan chức thương mại Mỹ nhận định Vòng đàm phán Doha về tự do hoá thương mại toàn cầu của WTO có thể kéo dài sang năm 2012, song khẳng định các bên đã đạt được một vài tiến bộ trong thời gian qua. Trước đó, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra tại Xơun (Hàn Quốc) trong hai ngày 11-12/11, sẽ tạo đà mới cho Vòng đàm phán Doha.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com