Ông James Lockett, cố phấn pháp lý dự án Star Việt Nam trình bày diễn tiến vụ điều tra áp thuế đối kháng sản phẩm túi nhựa tại thị trường Mỹ. Ảnh: Hồng Văn |
Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu áp thuế chống bán phá giá cá tra, cá ba rồi tôm súđông lạnh ở thị trường Mỹ hay giày mũ da ở thị trường EU từ mấy năm qua, nay các doanh nghiệp bao bì nhựa lại phải lo đối phó với vụ điều tra áp thuế đối kháng (Countervailing Duty) của Mỹ.
Các doanh nghiệp Việt Nam, theo các chuyên gia pháp lý và kinh doanh quốc tế phát biểu tại hội thảo Các quy định của EU và Mỹ về chống bán phá giá do Viện nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức sáng 12-8 tại TPHCM, ít nhiều cũng đã “nếm mùi” điều tra chống bán phá giá, nhưng với điều tra áp thuế đối kháng thì là điều khá mới.
Túi nhựa vào Mỹ bị khởi kiện
Hai công ty Mỹ là Hilex Poly Co., LLC và Superbag Corporation hôm 31-3 năm nay đã đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện các công ty xuất khẩu túi nhựa của Việt Nam sang thị trường nước này, cụ thể ba bị đơn lớn để điều tra là Advance Polybag, Chin Sheng và Fotai Vietnam Enterprise, trong tổng số 66 nhà sản xuất túi nhựa Việt Nam. Gần một tháng sau, ngày 20-4, DOC khởi xướng điều tra và Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) ra quyết định điều tra sơ bộ vào ngày 15-5.
Ông James Lockett, chuyên gia của Công ty luật Baker& McKenzie (Mỹ) đồng thời là cố vấn pháp lý cho dự án Star Việt Nam - dự án do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại trợ nhằm thúc đẩy phát triển thương mại ở Việt Nam - lưu ý rằng đây là vụ điều tra áp thuế đối kháng đầu tiên liên quan tới Việt Nam. Cơ sở để DOC điều tra là do sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ tăng quá nhanh trong vòng 3 năm qua, sản lượng tăng 2,3 lần lên tới 7,1 tỉ bao, còn kim ngạch tăng 4,5 lần lên 79,4 triệu đô la Mỹ (xem bảng dưới).
Sản lượng và kim ngạch túi nhựa Việt Nam xuất vào Mỹ
Năm | 2006 | 2007 | 2008 |
Số lượng (đơn vị 1.000) | 3.061.998 | 7.288.037 | 7.192.325 |
Giá trị (đô la Mỹ ) | 17.480.488 | 65.428.966 | 79.408.688 |
Nguồn: Dự án Star Việt Nam
Các nhà sản xuất túi nhựa nội địa Mỹ lập luận rằng công nghiệp sản xuất túi nhựa Việt Nam được trợ cấp từ chính phủ nên dẫn tới giá bán ở thị trường Mỹ không công bằng, mà ông Lockett gọi là "dưới mức có thể tồn tại trên thị trường”.
Bằng chứng được các nhà sản xuất Mỹ đưa ra là sự gia tăng mạnh lượng túi nhựa xuất khẩu sang Mỹ trong 3 năm qua, dù túi nhựa Việt Nam thiếu lợi thế cạnh tranh.
Theo dự kiến, ngày 28-8 DOC sẽ có quyết định sơ bộ và ra quyết định cuối cùng vào ngày 12-11, trong khi ITC ra quyết định cuối cùng ngày 27-12. Nếu kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam nhận được tài trợ từ chính phủ để bán túi nhựa vào thị trường Mỹ với giá thấp, thuế đối kháng sẽ được áp dụng từ ngày 3-1-2010.
Mỹ có áp thuế đối kháng được hay không?
Theo thống kê của Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong nước từ năm 1995 tới nay đã bị 39 vụ kiện chống bán phá giá, trở thành quốc gia bị kiện chống phá giá đứng hàng thứ bảy trên thế giới. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước chưa hề khởi kiện doanh nghiệp nước khác vụ nào. |
Thuế đối kháng được hiểu là nhằm trả đũa nước xuất khẩu bán phá giá gây thiệt hại cho nước nhập khẩu, hoặc nước xuất khẩu áp dụng để trả đũa một khi nước nhập khẩu hạn chế hay áp thuế đối kháng một mặt hàng nào đó. Theo ông Lockett, vài năm trước Trung Quốc cũng đã vấp phải thuế đối kháng ở thị trường Mỹ cho nhóm hàng điện tử, sau khi DOC điều tra và xác định có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho các nhà sản xuất hàng điện tử.
"Không chỉ là vụ điều tra áp thuế đối kháng đầu tiên liên quan tới Việt Nam, mà nguy hiểm hơn là sự điều tra đầy đủ có thể dẫn đến nhiều vụ điều tra về trợ cấp của chính phủ Việt Nam trong tương lai gần”, ông Lockett nhấn mạnh. Điều đó có nghĩa là một khi quyết định áp thuế đối kháng túi nhựa Việt Nam được DOC đưa ra, các thị trường nhập khẩu khác cũng có thể "noi theo" khi biết có trợ cấp cho nhà sản xuất.
Các câu hỏi điều tra để áp thuế đối kháng cũng khác với điều tra áp thuế chống bán phá giá. Điều tra áp thuế chống bán phá giá chủ yếu xoay quanh chi phí sản xuất tại doanh nghiệp và giá xuất khẩu, còn bảng câu hỏi điều tra để áp thuế đối kháng mà ông Lockett đưa ra lại chủ yếu liên quan tới hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp. "Miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu hay hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có thể xem là trợ cấp của chính phủ, một hình thức chính phủ cho tiền”, ông giải thích.
Cho tới nay, Mỹ vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện về chống bán phá giá tôm cá trước đây. Nhưng theo luật của Mỹ, thuế đối kháng chỉ bị áp dụng cho quốc gia có nền kinh tế thị trường. Do vậy, nếu áp thuế đối kháng, Mỹ phải công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Một khó khăn khác, theo ông Lockett, có thể DOC sẽ không quyết định áp thuế đối kháng là Mỹ hiện thiếu các dữ liệu kinh tế liên quan đến Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, không loại trừ DOC tiếp tục điều tra và áp thuế vì theo cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam phải hủy bỏ các hình thức trợ cấp theo lộ trình. Lý giải của phía Mỹ còn cho rằng Việt Nam đã thoát khỏi nền kinh tế chỉ huy một cách đầy đủ, do đó có thể có đủ dữ liệu để quyết định mức độ và ảnh hưởng của các gói trợ cấp.
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com