Sau năm năm bị áp thuế chống phá giá ở mức 34,5% đối với xe đạp xuất khẩu vào EU, nhiều doanh nghiệp (DN) VN phải bắt tay lại từ đầu để vực dậy sản xuất, bởi trước đó có không ít doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề sản xuất, thậm chí phá sản.
Hiện số DN sản xuất xe đạp chỉ xấp xỉ 30 DN, rất khó để đưa ngành công nghiệp này trở về khoảng thời gian hoàng kim của năm 2005 (kim ngạch xuất khẩu qua thị trường EU đạt trên 100 triệu USD/năm với lượng xe xuất khẩu trên 1 triệu chiếc).
Tuy nhiên, DN trong nước đang đứng trước cơ hội rất lớn để khôi phục ngành sản xuất này khi Trung Quốc tiếp tục bị EU áp thuế chống phá giá ở mức rất cao, đến 45,8%. Song nói như ông Vũ Bá Phú, phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, “khôi phục sản xuất là điều tất nhiên nhưng các DN phải đối mặt với thách thức lớn. Nếu không tỉnh táo đối phó, chỉ trong vòng sáu tháng đến một năm nguy cơ tái áp thuế rất khó tránh khỏi”.
Cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở khi tình trạng chuyển giá, lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng cách lợi dụng xuất xứ hàng hóa của VN để xuất khẩu đang rất phổ biến do bị những DN làm ăn không chân chính lũng đoạn.
Ông Phú cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ để có thể giám sát quá trình tái sản xuất của DN một cách xuyên suốt. Ở khâu cấp phép dự án, sở kế hoạch - đầu tư các địa phương phải thẩm định rất kỹ các hồ sơ xin cấp phép đầu tư mới. Ở cấp bộ ngành, việc giám sát số lượng xuất khẩu của DN so với năng lực sản xuất chung của ngành hết sức cần thiết. Đây là cơ sở để có thể nghi ngờ tình trạng chuyển tải bất hợp pháp khi lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến trong khi năng lực sản xuất còn hạn chế.
Ở góc độ hiệp hội, số liệu thống kê, phân tích năng lực sản xuất thực tế của từng DN trong và ngoài hiệp hội là những thông tin quan trọng cần cung cấp cho cơ quan chức năng của Chính phủ. Những số liệu này chính là cơ sở cho cơ quan quản lý đối chiếu trong khâu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của từng lô hàng xuất khẩu, nhằm phát hiện và ngăn ngừa tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.
Với DN, cần chủ động tối đa trong việc bảo vệ lợi ích của chính mình. Sẽ không thừa nếu DN tăng cường hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh, từ năng lực sản xuất, quy mô nhà xưởng lẫn thị trường xuất khẩu... để nhận ra những dấu hiệu kinh doanh bất thường của DN khác.
Bài học túi nhựa PE sản xuất tại VN vừa bị áp thuế chống trợ cấp và chống phá giá với mức rất cao tại thị trường Mỹ vẫn còn nguyên tính thời sự. Khi đó, hai bị đơn thuộc diện bắt buộc trong quá trình điều tra (đều là DN có vốn đầu tư nước ngoài) đã đột ngột biến mất không để lại dấu vết gì ngoài mức thuế “khủng”, và người phải gánh chịu hậu quả lại chính là các DN sản xuất trong nước.
(Tuổi trẻ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com