Gần đây, khi người tiêu dùng e ngại mua phải hàng Trung Quốc kém chất lượng, không ít doanh nghiệp, người bán hàng đã lập lờ hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam hoặc một số nước khác để lừa người tiêu dùng.
Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều mặt hàng tiêu dùng, từ quần áo, trái cây, hàng gia dụng đến các vật dụng có giá trị như thiết bị điện tử, xe đạp, điện thoại di động…
Rau Trung Quốc biến thành Đà Lạt
Tại các chợ ở Tp.HCM, trước đây trái cây Trung Quốc được bày bán khá nhiều, đặc biệt là táo, lê, nho, lựu. Thế nhưng dạo gần đây, những loại trái cây đó vẫn nhan nhản nhưng lại được người bán giới thiệu là trái cây trong nước hoặc nhập từ Thái Lan, Chile, Mỹ...
Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), một tiểu thương khẳng định: “Mùa này chỉ có hàng nội, hàng Trung Quốc lấy đâu mà bán” nhưng xung quanh sạp đầy thùng xốp đựng trái cây chằng chịt chữ Trung Quốc. Một nhân viên Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM cho biết có nhiều trường hợp người bán đều nói rằng trái cây Đà Lạt nhưng kiểm tra lại là hàng không có chứng từ, hàng Trung Quốc.
Theo các tiểu thương, nếu nói là hàng Trung Quốc thì sẽ bán chậm, khách đang xem hàng sẽ đặt xuống ngay. Vì thế, người bán phải “né” chữ Trung Quốc, gọi đại một cái tên nào đó cho người mua an tâm như hàng Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc… Như cam vàng Trung Quốc được gắn dưới cái tên cam Vinh… Thậm chí súp lơ, cà rốt Trung Quốc cũng được “hô biến” thành rau, củ Đà Lạt. Dù cảnh giác, các bà nội trợ cũng không thể xác định hết nguồn gốc hàng hóa cho bữa cơm hằng ngày.
Tình trạng giấu nguồn gốc hàng Trung Quốc diễn ra phổ biến ở các mặt hàng gia dụng, điện máy. Chị N.T.T. (quận Bình Thạnh) cho biết tháng trước vừa mua chiếc xe đạp trên đường Bùi Hữu Nghĩa, người bán hàng tư vấn xe đạp của Nhật, lắp ráp tại Việt Nam, siêu nhẹ giá đến 2,5 triệu đồng.
Thế nhưng sử dụng một thời gian xe trục trặc, chị đem xe sửa thì thợ cho biết toàn bộ là “made in China”. Lúc đem đơn lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam để khiếu nại, chị mới vỡ lẽ hóa đơn mua hàng không hề ghi nơi xuất xứ nên chị không thể kiện đòi bồi thường.
Công nghệ “ỉm” xuất xứ Trung Quốc
Theo ghi nhận, nạn lập lờ nguồn gốc cũng diễn ra ở một số trung tâm điện máy. Hàng Trung Quốc nhưng lại được giới thiệu là hàng Nhật, Hàn Quốc. Tại đây có rất nhiều sản phẩm Trung Quốc có tên na ná như hàng Nhật.
Nhân viên bán hàng thường giới thiệu đây là hàng Nhật lắp ráp tại các nước Đông Nam Á hoặc hàng sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ châu Âu… khiến người tiêu dùng hoa mắt, trong khi trong bảng giới thiệu sản phẩm chỉ ghi chức năng, công dụng, không có một dòng nào để nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Đinh Anh Huân - giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thegioididong, hiện nay có không ít doanh nghiệp trong ngành điện tử, điện máy sang Trung Quốc đặt hàng rồi gắn thương hiệu Việt Nam. Điều đáng nói là không ít doanh nghiệp chọn tên hao hao các thương hiệu nổi tiếng của Nhật, châu Âu để đánh lừa người tiêu dùng.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng hàng hóa phía Nam cho biết phần nhiều hàng hóa vi phạm quy định về nhãn mác là đồ điện, hàng thiết bị do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, hoặc hàng không thuộc danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng vì vậy rất khó kiểm soát. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, những mặt hàng này đã len lỏi vào các siêu thị, cửa hàng sau khi được dán tem chính hãng!
Cục Hải quan Tp.HCM cho biết nhiều vụ ghi sai xuất xứ để trốn thuế gian lận thương mại thường xảy ra đối với những mặt hàng có sự chênh lệch về thuế giữa khối ASEAN và ngoài ASEAN. Tùy theo lộ trình cắt giảm thuế của các loại hàng hóa mà độ chênh lệch về thuế sẽ khác nhau, trong đó phổ biến nhất là hàng điện tử, điện lạnh, sắt thép, thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Trước mê hồn trận hàng Trung Quốc giả, nhái nhãn mác, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách nghiên cứu kỹ nhãn mác hàng hóa khi mua hàng, nên mua hàng tại các trung tâm, địa điểm có uy tín và luôn yêu cầu giấy bảo hành để tránh rủi ro tiền mất tật mang.
* Khó xử lý nạn tráo nhãn Trung Quốc thành Việt Nam
Ông Ngô Xuân Tùng, đội trưởng Đội quản lý thị trường quận 5 (Tp.HCM), cho biết đơn vị từng bắt giữ nhiều vụ hàng hóa quần áo Trung Quốc, các vụ xử phạt hầu hết đều xoay quanh việc ghi nhãn hàng hóa.
Trong đó những nội dung bắt buộc phải ghi như xuất xứ hàng hóa thường bị nhà kinh doanh ghi qua loa hoặc ghi mập mờ, sai nguồn gốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt khiến người tiêu dùng hiểu sai nội dung nhãn gốc.
Còn theo Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, qua thời gian theo dõi, kiểm tra hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, lực lượng này đã phát hiện có tình trạng tráo nhãn hàng Trung Quốc thành hàng sản xuất tại Việt Nam.
Theo bà Trần Bích Tiên - Phó phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường), việc thay đổi nhãn xuất xứ hàng hóa rơi vào mặt hàng quần áo may sẵn nhưng với số lượng ít nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng và qua mắt người tiêu dùng.
Bà Tiên cho biết rất khó phát hiện và xử lý bởi việc xác định việc thay nhãn hàng là vô cùng phức tạp. Mặt khác, việc thay sang nhãn hàng Việt Nam mang tính chất chung chung, không vi phạm sở hữu của doanh nghiệp nào nên truy tìm nguồn gốc khó khăn. Vì vậy, bà Tiên khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng cần xem cẩn thận và rõ ràng các chi tiết nhãn mác hàng hóa để tránh mua nhầm hàng.