Thứ nhất, ngay trong nửa thập kỷ đầu tiên khởi động công cuộc đổi mới và định hình các cơ chế, chính sách để vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, "trái ngọt đầu mùa" mà thương mại nước ta gặt hái được chính là xuất khẩu 1,425 triệu tấn gạo năm 1989.
Trên bình diện toàn cầu, việc Việt Nam không chỉ đột ngột trở thành quốc gia xuất khẩu gạo, bởi ngay trước đó, nước ta còn phải nhập khẩu hàng chục vạn tấn gạo mỗi năm, mà còn trở thành "nhà xuất khẩu gạo chuyên nghiệp" và rất nhanh trở thành cường quốc xuất khẩu gạo lớn trên thế giới và liên tục đứng vị trí thứ hai từ năm 1999 đến nay (trừ năm 2002, 2003 và 2007), góp phần rất quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu.
Thứ hai, chúng ta đã thực hiện thành công hơn cả mong đợi của chủ trương hướng mạnh về xuất khẩu trong thập kỷ 90 mà Đại hội VII của Đảng đề ra. Cụ thể, trong khi mục tiêu đề ra cho thập kỷ này là 37-45 tỷ USD, lớn gấp 5,26-6,40 lần tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đổi mới đầu tiên, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt 68,952 tỷ USD, lớn gấp 9,81 lần và vượt 53,23-86,36% so với mục tiêu, đạt nhịp độ tăng cao gấp 2,60 lần nhịp độ tăng GDP (19,65%/năm so với 7,57%/năm).
Trên bình diện toàn cầu, thành tựu này được đánh dấu bằng hai mốc son rất đáng tự hào sau cả một thập kỷ nỗ lực vượt bậc. Một là, với tổng kim ngạch xuất khẩu 11,541 tỷ USD năm 1999, Việt Nam được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xếp vị trí thứ 50 khi lần đầu tiên định chế quốc tế này mở rộng bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới hàng năm từ 30 lên 50. Hai là, việc tăng mạnh lên 14,455 tỷ USD năm 2000, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt 187 USD, vượt khá xa ngưỡng để được thế giới thừa nhận là quốc gia có nền ngoại thương tương đối phát triển.
Thứ ba, không những thực hiện thành công mục tiêu tăng xuất khẩu gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP trong điều kiện vừa phải trải qua "cú sốc" năm 2009, Việt Nam còn thực hiện thành công mục tiêu "kép" mở rộng thị trường trong nước.
Số liệu thống kê cho thấy, ở đầu ra xuất khẩu, cho dù kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đã "rơi tự do" 8,92%, mức giảm kỷ lục kể từ khi mất hầu như toàn bộ thị trường xuất khẩu truyền thống từ năm 1991 đến nay và cho dù năm nay cũng không tăng, tức là vẫn chỉ dừng ở mức 57,096 tỷ USD như năm 2009, thì nhịp độ tăng bình quân trong cả thập kỷ này cũng đã là 14,73%/năm và nếu GDP năm nay đạt được mục tiêu 6,5%, bình quân của cả thập kỷ sẽ là 7,21%/năm và hệ số giữa hai nhịp độ tăng này cũng đã là 2,04 lần. Do vậy, nếu xuất khẩu trong năm nay đạt được mục tiêu đề ra là 6%, thì nhịp độ tăng bình quân của cả thập kỷ sẽ là 15,5%/năm, cao hơn 2,15 lần so với tốc độ tăng GDP.
Nếu xét theo từng giai đoạn, không thể phủ nhận một thực tế là, "đoàn tàu xuất khẩu" của nước ta đã giảm tốc một cách rõ nét. Đó là, nếu trong thập kỷ trước, xuất khẩu đã tăng bình quân 19,67%/năm và 5 năm 2001 - 2005 vẫn còn tăng 17,51%/năm, thì 4 năm gần đây tiếp tục giảm chỉ còn 15,17%/năm, nên tính chung 9 năm 2001 - 2009 chỉ tăng 15,51%/năm.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, thị trường trong nước đã tăng trưởng ngoạn mục trở lại trong những năm gần đây. Cụ thể, trong nửa đầu thập kỷ 90 vừa mới được "cởi trói", tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 31,37%/năm, nhưng 5 năm cuối "rơi tự do" xuống chỉ còn 15,97%/năm, còn 5 năm đầu thập kỷ này "chạm đáy" với 14,30%/năm, nhưng 4 năm gần đây trỗi dậy rất mạnh với 21,84%/năm, nên tính chung cả thập kỷ 90 chỉ tăng 15,97%/năm, thấp quá xa so với nhịp độ tăng xuất khẩu, còn 9 năm gần đây tăng 17,59%/năm, vượt trội hơn hẳn xuất khẩu.
Chính vì những động thái nói trên, thay vì chiếm tỷ trọng vượt trội 59,49% trong năm 1991, "rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng" năm 2000 chỉ còn chiếm 49,91%, nên phải "nhường lại" thị phần lớn hơn 50% cho "rổ hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu" và cán cân này còn lệch tối đa vào năm 2008 với 45,21% và 54,79%. Thế nhưng, trong năm 2009, do xuất khẩu "rơi tự do" chỉ còn 62,862 tỷ USD, còn thị trường trong nước vẫn tiếp tục tăng khá mạnh, đạt 66,983 tỷ USD, mức chênh lệch đạt 4,121 tỷ USD và 6,56%, nên cán cân này được đảo ngược với tỷ lệ 51,59% và 48,41%.
Những điều nói trên có nghĩa là, bên cạnh nguồn động lực từ thị trường bên ngoài, thị trường trong nước có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực để kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong hai thập kỷ đổi mới vừa qua.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com