Ông T., làm nghề bỏ mối quần áo cho các tỉnh, tá hỏa khi tới đại lý nhận hàng ở cảng TPHCM được đưa biên lai thu thêm của ông 60 đô la Mỹ cho kiện hàng quần áo may sẵn đặt mua từ Trung Quốc. Vì không chịu đóng thêm khoản phí nói trên, giữa ông T. và nhân viên đại lý nhận hàng đã xảy ra tranh cãi kịch liệt.
Ông T. cho rằng doanh nghiệp làm dịch vụ nhận hàng ở TPHCM bắt chẹt nên mới đẻ ra thêm phí, còn đại lý nhận hàng thì trưng ra bằng chứng là mình chỉ thu hộ nên trong hóa đơn, phần phí này không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nhân viên đại lý nhận hàng khuyên ông T. nên trao đổi rõ hơn với đại lý gửi hàng ở cảng xuất phát.
Không riêng ông T., từ cuối năm ngoái, các doanh nghiệp và tiểu thương mua hàng rời, hàng lẻ từ Trung Quốc thường hay bị thu thêm một loại phí hết sức vô lý, gọi là phí nhập hàng Trung Quốc (China Import Surcharge - CIS).
Bà Bùi Thị Thúy Vy, điều hành bộ phận giao nhận hàng của Công ty Globelink, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm nhận hàng rời, hàng lẻ nhập từ Trung Quốc, cho biết trước đây người mua hàng rời, hàng lẻ khi tới cảng nhận hàng chỉ đóng ba loại phí là DO (Delivery Order) khoảng 20 đô la Mỹ mỗi khối hàng, phí CFS (Container Freight Station) từ 12-17 đô la Mỹ/khối hàng và phí THC (Terminal Handling Charge) 6 đô la Mỹ/khối hàng.
Các loại phí này, người nhận hàng rời bất kỳ từ đâu cũng đều phải nộp cho đại lý nhận hàng và có hóa đơn thanh toán, thể hiện rõ thuế giá trị gia tăng trong đó. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, hàng nhập từ Trung Quốc qua một số tuyến vận chuyển về TPHCM thì đại lý nhận hàng bị đại lý gửi hàng bên Trung Quốc nhờ thu hộ thêm phí CIS.
“Theo nguyên tắc giao nhận, đại lý nhận hàng phải thu theo lệnh của người gửi hàng thì mới cho nhận hàng nhưng chúng tôi rất bất ngờ bởi phí CIS và chẳng biết giải thích với nhà nhập khẩu ra sao để họ hiểu. Vì thế họ cứ nghĩ chúng tôi đẻ thêm một loại phí nào đó để trục lợi”, bà Vy cho biết.
Theo nhiều công ty giao nhận làm đại lý nhận hàng từ Trung Quốc về Việt Nam thì phí CIS không chỉ vô lý mà còn không theo một bảng giá nào cả, có khi 5 hay 10 đô la Mỹ/kiện hàng (tính 1 mét khối chứa hàng), nhưng có khi lên tới 40 - 60 đô la Mỹ/kiện, cao hơn cả ba loại phí tiêu chuẩn nói trên.
Trong khi đó, doanh nghiệp và các tiểu thương có xu hướng nhập hàng rời từ Trung Quốc ngày một nhiều, từ hàng điện tử, vải vóc, hàng may sẵn, thiết bị, linh kiện rời, hóa chất cho đến đồ chơi trẻ em... Các doanh nghiệp thường xuyên đặt mua hàng lẻ nên khi bị thu phí CIS đã điều đình lại với đại lý gửi hàng để giảm phí này xuống, từ 60 đô la Mỹ/kiện hàng xuống còn 5-10 đô la Mỹ. Còn những tiểu thương lâu lâu mới nhập một ít hàng lẻ thì đành phải cắn răng nộp phí theo yêu cầu đại lý gửi hàng.
Sở dĩ các nhà nhập khẩu hàng rời, hàng lẻ gần đây nhập hàng từ Trung Quốc thường mua theo giá CIF (nhận hàng tại cảng Việt Nam, còn phía Trung Quốc chịu cả cước phí, thuê tàu và bảo hiểm) là vì nếu mua theo phương thức FOB (nhận hàng tại cảng Trung Quốc và tự lo vận chuyển về) thì lại đắt hơn.
Ông Ngô Thanh Minh, Viện trưởng Viện Tiếp vận MGC tại TPHCM, nơi chuyên đào tạo về logistics, cho rằng đây là nghịch lý và cũng là một phần nguyên nhân.Theo ông Minh, thông thường, mua CIF tại cảng TPHCM phải đắt hơn mua FOB tại cảng Trung Quốc nhưng giá mua CIF mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc chào bán cho doanh nghiệp và tiểu thương lại rẻ hơn so với giá mua FOB, nên “doanh nghiệp trong nước chủ quan, cứ nghĩ giá mua CIF đã bao gồm luôn cả cước phí tàu, doanh nghiệp chỉ lo nhận hàng và đóng vài loại phí theo quy định ở cảng nhận hàng”.
Còn các nhà xuất khẩu lẫn đại lý gửi hàng của Trung Quốc dựa vào tâm lý của người mua hàng lẻ là lâu lâu mới mua một lần, cần thời gian giao nhận hàng cho nhanh để bắt ép. Ông Minh nói: “Họ biết tâm lý chung của người mua hàng lẻ, hàng rời là lâu lâu mới mua một lần nên dễ dàng bỏ qua nếu có bị thu thêm phí”.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn là do kinh tế khó khăn, các đại lý gửi hàng của Trung Quốc khi gom hàng từ doanh nghiệp sản xuất để gửi cho người mua, đã hạ giá cước tàu để cạnh tranh.
Theo tìm hiểu của ông Minh, lẽ ra một khối hàng rời có cước phí 20 đô la Mỹ thì các đại lý gửi hàng của Trung Quốc chỉ chào ở mức 5 đô la Mỹ, thậm chí miễn luôn. Vì thế, người bán khi chào hàng đã tính giá cước thật thấp cho người mua ở Việt Nam, có khi bằng hoặc thấp hơn cả giá bán tại cảng Trung Quốc và thế là tiểu thương, doanh nghiệp Việt Nam bị “bắt chẹt” khi nhận hàng.
Từ kinh nghiệm giao nhận hàng lẻ, hàng rời từ Trung Quốc, bà Vy cảnh báo các doanh nghiệp, tiểu thương trong nước khi mua hàng rời, hàng lẻ từ Trung Quốc phải hỏi kỹ người bán là sẽ gửi hàng qua đại lý nào, sau đó tiếp tục xác nhận với đại lý gửi hàng là khi hàng đến Việt Nam thì người nhận phải đóng những cước phí nào?
Nếu thấy giá mua CIF tại cảng Việt Nam quá rẻ thì càng phải hỏi kỹ lưỡng người bán lẫn đại lý vận chuyển hàng để tránh bị bắt chẹt như trường hợp của ông T.
(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com