Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rủi ro cao cho đồ gỗ vào Mỹ

Mỹ là thị trường lớn cho đồ gỗ nội thất của Việt Nam. Ảnh: Thái Hằng

Sau một số mặt hàng của Việt Nam bị Mỹ điều tra và áp thuế chống bán phá giá như túi ni lông, hiện đồ gỗ nội thất của Việt Nam xuất vào thị trường này cũng có nguy cơ bị điều tra, đặc biệt khi gần đây báo chí Mỹ đưa tin Trung Quốc đang dùng Việt Nam như là nơi để né thuế chống bán phá giá đồ gỗ.

Theo một bài báo do phóng viên Andrew Higgins thực hiện và đăng trên tờ Washington Post hôm 23-5, việc Mỹ đánh thuế chống bán phá giá lên sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc dùng cho phòng ngủ vào tháng 1-2005 đã khiến cho lượng hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, trong khi đồ gỗ dùng cho phòng ngủ nhập từ Trung Quốc vào Mỹ giảm từ mức 1,2 tỉ đô la Mỹ của năm 2004 xuống còn 691 triệu đô la Mỹ trong năm ngoái, thì ngược lại xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam lại tăng từ mức 151 triệu đô la Mỹ (2004) lên 931 triệu đô la Mỹ trong năm 2010.

Bài báo này cũng dẫn lời ông Lawrence Yen, chủ tịch của công ty Woodworth Wooden Industries cho biết nhà máy của ông này ở Trung Quốc trước đây xuất 400 công-te-nơ hàng đồ gỗ dùng trong phòng ngủ sang Mỹ mỗi tháng, giờ chỉ còn 60 công. Bù lại, ông Yen đã mở một nhà máy ở Việt Nam và đang mở thêm một nhà máy ở Indonesia để từ những nước ASEAN này ông tăng cường xuất khẩu sang Mỹ mà không phải chịu thuế chống bán phá giá. Và, đây không phải là trường hợp duy nhất, theo bài báo.

Né thuế bằng chuyển nguồn gốc xuất xứ

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên của Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng dù không biết có tình trạng lẩn tránh thuế thật không, nhưng đây là một cảnh báo về mối nguy cho doanh nghiệp Việt Nam đang xuất đồ gỗ vào Mỹ.

Trước đây, cũng có thông tin từ các luật sư Mỹ và dư luận Mỹ về việc túi nhựa từ Trung Quốc xuất sang Mỹ đang giảm, trong khi từ Việt Nam tăng lên, và nghi ngờ doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam để lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Và, sau này Mỹ đã chính thức khởi kiện và điều tra chống bán phá giá đối với túi nhựa PE nhập từ Việt Nam. Kết quả, mặt hàng này đã bị đánh thuế chống bán phá giá 52,3% - 76,11% trong 5 năm kể từ tháng 5-2010.

Trong tháng 7-2010, Mỹ đã từng tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm mắc treo quần áo bằng thép sản xuất từ Việt Nam.

Theo bà Trang, các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể thực hiện nhiều hành vi để lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. Chẳng hạn như, họ có thể làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) “made in Vietnam”.

Ngoài ra, theo giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu một doanh nghiệp gỗ lớn ở Bình Dương, doanh nghiệp nước ngoài có thể lẩn tránh thuế bằng cách mở nhà máy hoặc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Họ nhập hàng bán thành phẩm, sau đó gia công, sơn phủ, bao gói… rồi xuất đi, với nguồn gốc xuất xứ như một sản phẩm 100% Việt Nam.

Với việc gia công đơn giản như trên thì sản phẩm không được xem là đủ điều kiện để được hưởng C/O Việt Nam vốn đòi hỏi nguyên liệu nhập khẩu phải chiếm nhiều nhất 40-50% giá thành. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể có được chứng nhận hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.

“Một cái ghế, ví dụ từ bên Trung Quốc có giá bán 20 đô la Mỹ, khi nhập khẩu vào Việt Nam họ sẽ khai thấp xuống, chỉ còn khoảng 10 đô la Mỹ, để giảm thuế. Sau đó, họ gia công, bao gói sản phẩm thêm 10 đô la Mỹ, rồi nghiễm nhiên xuất đi với cái mác xuất xứ “made in Vietnam”, ông này nói.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết các đơn hàng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được khai dưới dạng nguyên liệu gỗ, đơn vị tính bằng mét khối để hưởng thuế suất bằng không, nên rất khó kiểm tra được liệu đó có phải là hàng bán thành phẩm, “trốn xuất xứ” hay không.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể bị ảnh hưởng

Theo bà Trang, dù doanh nghiệp gỗ Trung Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam và không vi phạm pháp luật Việt Nam, chẳng hạn như không gian lận C/O, thì đây vẫn bị xem là né thuế chống bán phá giá, theo quy định của Mỹ.

Theo quy định của Mỹ, chỉ cần doanh nghiệp gỗ Trung Quốc dời sản xuất sang nước khác và xuất hàng ồ ạt sang Mỹ thì đây đã là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Cho nên đây là vấn đề rất nguy hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam trong khi hiện Việt Nam đang nhận khá nhiều đầu tư từ Trung Quốc, bà Trang nói.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các doanh nghiệp gỗ từ Trung Quốc xem Việt Nam như một điểm đến an toàn vì không có thuế nhập khẩu nguyên liệu, nguồn nhân công giá rẻ và không chịu thuế chống bán phá giá.

Ngoài ra, theo Bà Trang, chỉ cần lượng đồ gỗ từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh và có giá hơi rẻ thì rủi ro bị kiện chống bán phá giá là rất cao. Số liệu thống kê của Bộ Công thương Mỹ và Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ cho thấy, từ 2004 đến 2010, kim ngạch đồ gỗ nội thất không bọc vải, trong đó có đồ gỗ nội thất dùng trong phòng ngủ, xuất từ Việt Nam sang Mỹ tăng từ 321,6 triệu đô la Mỹ lên 1,56 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ hai vào Mỹ, sau Trung Quốc.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất không bọc vải này xuất từ Trung Quốc sang Mỹ giảm từ 4,1 tỉ đô la Mỹ (2004) xuống còn 3,6 tỉ đô la Mỹ (2010). Cũng trong thời gian này, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này từ hầu hết các nước khác sang Mỹ đều giảm.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Tại sao Việt Nam nhập siêu mạnh từ Trung Quốc?
  • Doanh nghiệp Hàn Quốc: Giảm thủ tục thuế - tăng cơ hội đầu tư
  • Thị trường ô tô Việt Nam: Nhập khẩu thôi!
  • FAO: Chi phí nhập khẩu lương thực năm nay sẽ lên mức kỉ lục
  • Xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 500 triệu USD/tháng
  • Xuất khẩu thuỷ sản có thể đạt 8 tỷ USD vào năm 2020
  • Nhập khẩu thịt lợn và sự bất đồng của cơ quan quản lý
  • Sẽ tiếp tục biện pháp siết nhập khẩu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo