![]() |
Nước giải khát của tập đoàn Tân Hiệp Phát |
Theo những số liệu thống kê của Trung tâm Xúc tiên Thương mại và Đầu tư TP HCM, trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mặt hàng nước giải khát hầu như không bị tác động. Các nhãn hàng nước giải khát vẫn có doanh số tăng trưởng khoảng 800%/năm. Đồ uống cũng là mặt hàng duy nhất đang giữ phong độ quảng bá thương hiệu trong lúc các ngành hàng khác đều cắt giảm tối đa chi phí.
Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát nên thị trường nước giải khát đang đứng trước hiện trạng thực, giả lẫn lộn. Từ thực tế này cho thấy, nếu các DN sản xuất nước giải khát trong nước không có cái nhìn nghiêm túc và chiến lược, sẽ mất thị phần ngay trên “sân nhà”.
Lập lờ đánh lận con đen
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2435 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia - rượu-nước giải khát đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2010, ngành này sẽ đạt sản lượng 2,5 tỷ lít bia, 80 triệu lít rượu công nghiệp, 2 tỷ lít nước giải khát, kim ngạch xuất khẩu 70-80 triệu USD. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nước giải khát với thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 50% trong tổng số 400 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở dĩ có tình trạng nhiều sản phẩm “lập lờ đánh lận con đen” là bởi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng này còn nhiều lỏng lẻo.
Theo quy định tại Luật Chất lượng hàng hóa, Pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm, Nghị định 89 về ghi nhãn hàng hóa thì các hoạt động sản xuất kinh doanh nước giải khát là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để được sản xuất mặt hàng này, cơ sở sản xuất phải có giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi xuất phát từ công nghệ sản xuất nước giải khát hiện nay là công nghệ pha chế hương liệu. Cho dù có là trà, cam, táo, nho hay thảo mộc chăng nữa, nếu thiếu chất tạo màu, tạo mùi thì không thể giữ hương vị để cả năm, phơi mưa phơi nắng trên quầy kệ bán ngoài đường mà không bị hư hỏng. Các công đoạn pha chế cũng ngày càng đơn giản, khi các hương liệu tạo màu, tạo mùi, dịch quả, luôn có sẵn đủ các hương vị theo trái cây tự nhiên. Sản phẩm cao cấp thì dùng thêm đường trái cây vào cùng với đường kính để nước có hương vị thơm ngon hơn.
Theo TS Hồ Sĩ Thắng - Phó tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN, “nếu để các DN tự công bố, cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm thì rõ ràng chúng ta không có đủ lực lượng để làm việc này. Với thực trạng hiện nay, cần phải thay đổi nội dung và phương thức quản lý. Theo đó, đối với thực phẩm có nguy cơ cao như nước giải khát thì thay vì để cho nhà sản xuất tự công bố chất lượng, chúng ta cần tiến hành chứng nhận hợp quy, để các tổ chức chuyên môn đánh giá xem có đủ điều kiện không, trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp giấy phép để sản xuất. Định kỳ tiến hành thanh tra giám sát”. Ngoài ra, TS Thắng còn cho cho rằng, thay vì quản lý bằng tiêu chuẩn, bằng văn bản pháp luật thì ngành chức năng phải xây dựng các tiêu chuẩn an toàn quốc gia, quy định các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nước giải khát. Sản phẩm nào có chứng nhận hợp quy định mới được phép lưu thông.
Cốt lõi vẫn phải dựa vào nội lực
Bà Trần Uyên Phương - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã nêu một số giải pháp khi thực hiện Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”: Phấn đấu dựa vào nội lực, kết hợp công nghệ hiện đại, đẳng cấp quốc tế với hiểu biết thị trường địa phương. đây chính là chiến lược “tập trung và sự khác biệt” mà Tân Hiệp Phát đã đầu tư và theo đuổi nhiều năm qua.
Đây cũng thực sự là cái nhìn nghiêm túc và chiến lược, trong việc chiếm thị phần ngay trên “sân nhà”. Minh chứng, nhằm cổ vũ và tạo điều kiện cho người dân quan tâm đến hàng Việt, Tân Hiệp Phát đã phát động chiến dịch “Tăng cường nỗ lực phục vụ người tiêu dùng VN”, với cam kết đồng hành cùng chiến dịch "Người VN ưu tiên dùng hàng VN”. Theo đó, tập đoàn này triển khai trên toàn quốc kệ sản phẩm bao gồm gần 20 sản phẩm giải khát của Tân Hiệp Phát (Trà Xanh O độ, trà thảo mộc Dr. Thanh, nước ép trái cây từ me, mãng cầu, chanh dây, sữa đậu nành Soya, nước tăng lực Number One... và một số thức uống không đường khác), nhằm đáp ứng nhu cầu về thức uống cho mọi người, mọi lứa tuổi một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất. Sản phẩm của Tân Hiệp Phát rất đa dạng, với nhiều loại đồ uống thích hợp cho phái nữ như trà Barley, các loại nước ép trái cây me, mãng cầu, chanh dây, sản phẩm cho phái nam cũng đa dạng không kém với Cà phê Sữa VIP, nước tăng lực Number hoặc trà thảo mộc Dr. Thanh để giải nhiệt khi uống nhiều rượu bia. Hơn nữa, bên cạnh các loại nước trái cây, sữa đậu nành Soya cũng là lựa chọn dành cho các bé, và các loại trà xanh, trà thảo mộc... phù hợp với sức khỏe cũng như sở thích của người lớn tuổi.
Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, vào mỗi thời điểm trong ngày, cơ thể con nguời sẽ cần và chỉ có thể dung nạp tốt nhất một loại thức uống. Do đó, nếu được bổ sung đúng lúc, loại thức uống phù hợp sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Ví dụ, trà xanh sẽ phát huy tối đa lợi ích khi được uống vào mỗi sáng vì giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sinh lực và phòng chống bệnh tật. Từ nghiên cứu này, kệ trưng bày Tân Hiệp Phát ra đời với mong muốn dù ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, người tiêu dùng sẽ dễ dàng lựa chọn một loại thức uống phù hợp có sẵn để để giải khát.
Thị trường còn nhiều tiềm năng
Trên thị trường nước giải khát hiện nay, Tân Hiệp Phát là Cty nước giải khát lớn, sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Trà thảo mộc Dr. Thanh, Trà Xanh 0 độ, Nước tăng lực Number One, Café VIP... Tân Hiệp Phát được đánh giá là Cty tiên phong trong ngành thức uống có lợi cho sức khỏe, thân thuộc và gần gũi với người Việt.
Đáng chú ý, nhiều DN VN sản xuất nước giải khát đang triển khai những sản phẩm với thành phần tự nhiên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong nước. Các công ty sản xuất nước uống đã đầu tư dây chuyền sản xuất ngày càng hiện đại, đồng thời nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm mới như trà xanh, trà thảo mộc không đường dành cho người mắc bệnh tiểu đường hay không thích thức uống có đường... Mức tăng trưởng này cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu còn quá lớn trong thời điểm hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục phó Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, miếng bánh của thị trường nước giải khát VN còn khá nhiều đối với DN trong nước. Tuy nhiên, theo ông Phong, không vì thế mà DN VN lơ là việc nâng cao chất lượng, nhằm đem đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Sự cạnh tranh trên thị trường đồ uống ngày càng trở nên khốc liệt, đòi hỏi DN không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, nhằm đưa ra những sản phẩm mới có chất luợng cao.
(Theo Hoàng Hải // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com