Đẩy mạnh xuất khẩu song song với củng cố thị trường trong nước là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng muốn gửi đến cức doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp Xuân Kỷ Sửu.
- Thưa Bộ trưởng, năm 2008 chúng ta đã hạn chế được nhập siêu. Nhưng kết quả đó không có nghĩa là việc duy trì cán cân thương mại ở mức hợp lý trong năm 2009 sẽ dễ dàng, nhất là khi tăng trưởng về xuất khẩu đang đứng trước nhiều thách thức lớn…?
Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất là phải tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tăng trưởng nhập khẩu. Năm 2008 chúng ta đã bước đầu làm được điều này khi tăng trưởng xuất khẩu đạt 29,5%; còn tăng trưởng nhập khẩu chỉ 27,5%. Nếu xu hướng này tiếp tục được giữ trong vài năm tới đây, chúng ta có nhiều cơ sở để hy vọng tình hình nhập siêu được cải thiện.
Biện pháp thứ 2 là tiếp tục tăng cường rà soát các biện pháp đối với hàng nhập khẩu theo nguyên tắc hàng hóa thiết yếu cho đời sống, cho sản xuất của đất nước thì tạo điều kiện để nhập khẩu. Bên cạnh đó, các hàng hóa chưa cần thiết thì có biện pháp khống chế, có mức nhập khẩu hợp lý. Đặc biệt, với nhóm hàng hóa không thiết yếu, hàng hóa thuộc nhóm hàng tiêu dùng chưa thật sự cần thiết, hàng xa xỉ thì có biện pháp khống chế nhập khẩu (nhưng không phải vì the mà hạn chế sản xuất và tiêu dùng của nhân dân). Điều này chúng ta đã có kinh nghiệm trong năm 2008 rồi. Hai biện pháp này cũng cần được thực hiện cho những năm tiếp theo.
Đi đôi với đó còn là các biện pháp tài chính, tiền tệ, đặc biệt thúc đẩy sản xuất trong nước để thay thế hàng từ trước tới nay vẫn phải nhập khẩu từ bên ngoài, kể cả hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy đó, chẳng hạn như nhà máy sản xuất phôi thép, lọc hóa dầu, phân bón, phụ liệu ngành dệt may, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và linh kiện điện tử… Hướng này cần được triển khai tích cực trong năm 2009 và những năm tiếp theo vì thực hiện được điều này không chỉ làm giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, qua đó làm giảm nhập khẩu mà còn thúc đẩy phát triển được ngành công nghiệp theo hướng tập trung vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng công nghệ lớn.
- Một trong những yếu tố giảm nhập siêu là đẩy mạnh xuất khẩu. Vậy trong năm 2009, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới điểm gì để duy trì được xuất khẩu trong tình hình thế giới có những khó khăn như hiện nay?
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia không thể không thực hiện các cam kết mở cửa thị trường nên họ sẽ dùng các rào cản kỹ thuật, tập trung vào vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông lâm sản hay hàng rào giá cả với những hàng công nghiệp khác. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần quan tâm tới nội dung này để làm sao hàng Việt Nam xuất khẩu không gặp phải những cản trở bởi các rào cản gây ra. Điều này cực kỳ quan trọng, và tôi nghĩ rằng nếu làm tốt thì không chỉ khắc phục được những khó khăn khi các nước dùng rào cản với hàng xuất khẩu của Việt Nam mà về lâu dài sẽ khẳng định được uy tín của hàng Việt Nam.
Thứ hai là về phương thức thanh toán. Theo thống kê, hơn 90% giao dịch của các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng đồng đô-la Mỹ, điều này bộc lộ hạn chế khi đồng đô-la Mỹ có lúc tăng giá và có những lúc mất giá. Khi đồng đô-la mất giá thì doanh nghiệp gặp khó khăn rất nhiều. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp, ngay từ năm 2008 không chỉ dùng tiền thanh toán là đô-la Mỹ mà còn nên dùng cả đồng Euro, bảng Anh và yên Nhật để phân tán rủi ro. Đương nhiên điều này không dễ làm được trong ngày một, ngày hai. Có những khó khăn nhất định về tâm lý và kỹ thuật vì doanh nghiệp đã quen thanh toán bằng đô-la Mỹ, khi chuyển sang đồng tiền khác sẽ có những khó khăn nhất định. Phương thức thanh toán cũng vậy, có rất nhiều phương thức thanh toán nhưng theo tôi nên tập trung vào mở L/C. Phương thức này giảm thiểu ở mức cao nhất rủi ro cho người bán hàng, đặc biệt là ở những thị trường mới, những thị trường mà quan hệ ngân hàng giữa Việt Nam với họ chưa có nhiều, bởi nếu không sẽ gây rủi ro và kiện cáo rất nhiều.
Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao kỹ năng đàm phán và soạn thảo hợp đồng. Kinh nghiệm cho thấy nội dung của hợp đồng đàm phán rất quan trọng mà nhiều khi không để ý thì dù lẽ phải thuộc về chúng ta nhưng vẫn thua về mặt pháp lý.
Doanh nghiệp cũng phải năng động, không chỉ trông chờ vào thị trường truyền thống, vì theo dự báo các thị trường Hoa Kỳ, EU và cả khu vực sẽ thu hẹp nhu cầu. Nếu chỉ dựa vào các thị trường này sẽ có những khó khăn nhất định. Trong khi đó thị trường Châu Phi, châu Mỹ La tinh có đòi hỏi về chất lượng không cao và giá cả có thể đáp ứng được, nhưng dĩ nhiên cũng khó khăn, nhất là phương thức và khả năng thanh toán. Nhưng các doanh nghiệp cũng không nên vì những khó khăn này mà hạn chế phạm vi hoạt động. Chính trong lúc này họ nên từng bước vươn xa hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam làm hàng xuất khẩu cũng phải rà soát lại các chi phí, mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, nâng cao năng suất lao động để nâng cao sức cạnh tranh, trước hết là về giá cả, chưa nói về chất lượng đối với các sản phẩm cùng loại.
Chúng ta đã và sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu |
- Lãnh đạo Bộ Công Thương có lúc đã nhận xét rằng, chúng ta chưa có những nghiên cứu tốt về thị trường trong nước nên dẫn tới tình trạng bỏ ngỏ cho hàng nhập khẩu trong khi doanh nghiệp trong nước lại khó khăn. Vậy đâu là giải pháp cho thị trường nội địa để vừa hạn chế nhập siêu, vừa tiêu thụ được hàng cho các doanh nghiệp trong nước?
Không phải là chúng ta không quan tâm, nhưng rõ ràng thời gian qua có suy nghĩ, thậm chí tương đối phổ biến, là “ thị trường trong nước để cho tự điều tiết, nhất là các mặt hàng mà nhà nước có chỉ đạo như xăng dầu, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, phân bón”. Vì vậy dẫn tới hai hệ quả. Khi xảy ra những biến động thị trường, giá cả, lạm phát, chỗ này, chỗ kia có chuyện đầu cơ, tích trữ thì giá tăng cao. Hệ quả nữa là sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường biến động không thuận lợi, nhất là định hướng trong sản xuất và tiêu thụ không khớp với nhau.
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ và nêu vấn đề này với các bộ, ngành theo hướng trong năm 2009 đặc biệt phải quan tâm tới thị trường trong nước. Việc này theo tôi sẽ giải quyết được hai hệ quả như nói trên là đảm bảo cân đối cung cầu tất cả các hàng hóa chứ không chỉ là hàng thiết yếu, và góp phần giúp các doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch lâu dài, góp phần phát triển ổn định, bền vững.
Trên tinh thần đó, bên cạnh đề án đảm bảo sản xuất và cung ứng những hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, Bộ cũng chuẩn bị trình Chính phủ đề án củng cố mạng lưới phân phối, trong đó tập trung vào hệ thống bán lẻ. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang được mở cửa theo lộ trình cam kết gia nhập WTO. Lộ trình này đã tính tới khả năng đứng vững, phát triển của các doanh nghiệp thương mại Việt Nam, kể cả những hộ buôn bán nhỏ lẻ, đảm bảo họ tiếp tục có cơ hội để kinh doanh, phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài từng bước tham gia vào thị trường Việt Nam.
- Các doanh nghiệp hiện cũng có những e ngại về hàng hóa ở các nước xung quanh không xuất khẩu được sẽ đổ bộ vào Việt Nam với giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc - nơi Việt Nam đang nhập siêu lớn. Vậy giải pháp nào đã được Bộ tính tới để tránh tình trạng đổ bộ của những loại hàng hóa này?
Sau 2 năm là thành viên WTO, vừa qua dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam tuy là thành viên mới nhưng thực hiện rất nghiêm túc các cam kết của mình trong tương quan với các thành viên mới khác. Chứng tỏ ta rất nghiêm túc trong thực thi và nhất quán trong chính sách. Hai năm qua, việc chúng ta mở cửa nền kinh tế từng bước đã có những tác động có lợi cho nền kinh tế trong nước và không dẫn đến triệt tiêu các nhân tố tích cực trong nước.
Do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường hàng hóa xuất khẩu bị hạn chế nên bất cứ nước nào cũng phải tìm các giải pháp cho hàng hóa xuất khẩu của mình. Việc tìm đường xuất khẩu sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam của hàng Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề của chúng ta là vẫn thực thi các cam kết trong khu vực và thế giới và phải nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngay trên thị trường của mình về chất lượng, giá cả, mẫu mã. Việc nhập khẩu [hàng Trung Quốc] theo con đường chính ngạch ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi. Nhưng điểm chính là phải ngăn chặn việc buôn lậu, gian lận thương mại. Vừa qua có một số hàng bên ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước qua đường không chính thức nên mới gây ra những tác động, ảnh hưởng tới thị trường trong nước, vấn đề quản lý thị trường, giá cả, sản xuất trong nước.
Nhưng trong vấn đề này thì hàng rào kỹ thuật của chúng ta vẫn còn quá kém để có thể ngăn chặn được hàng bên ngoài đổ bộ vào…
Chính phủ cũng đã có chỉ đạo và Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành khác trong vấn đề này, nhất là về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
(Theo dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com