![]() |
Xuất khẩu tăng nhưng chủ yếu ở nguyên liệu thô hoặc những mặt hàng thâm dụng lao động như dệt may. Ảnh: TL. |
Sau khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 cho đến nay, thực tế cho thấy hội nhập kinh tế thế giới có tác động nhưng chưa đem lại kết quả như Việt Nam kỳ vọng, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, trong hội thảo tại TPHCM hôm 29-3 về đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt Nam sau khi gia nhập WTO, cho biết Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư sẽ tăng sau khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, từ năm 2007 – thời điểm Việt Nam gia nhập WTO cho đến nay, xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhưng mức tăng không như kỳ vọng như lúc ban đầu. Tỷ lệ tăng trung bình ở mức cao, nhưng tăng chủ yếu là do giá cả thế giới tăng, và vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và các mặt hàng thâm dụng lao động, như dệt may, da giày, chứ chưa có nhiều tác động tích cực từ việc gia nhập WTO.
Các phân tích số liệu của CIEM cho thấy việc hội nhập kinh tế cũng giúp thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chuyển dần từ nguyên liệu thô sang sản phẩm công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, trong thay đổi cơ cấu này, không có nhiều bạn hàng nhập hàng hoá của Việt Nam nhiều hơn sau khi hàng rào thuế quan được giảm xuống, mà chủ yếu là do sự lựa chọn mặt hàng theo yêu cầu thị trường giúp thay đổi cơ cấu, theo bà Phạm Lan Hương, quyền trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM.
“Còn về nhập khẩu chúng ta cũng đã kỳ vọng là tăng nhưng chưa thấy được nhập khẩu lại tăng mạnh mẽ đến mức gây ra thâm hụt cán cân thương mại lớn đến như vậy”, ông Thành nói.
Hiện Việt Nam vẫn đang loay hoay để tìm cách giảm thâm hụt thương mại, với việc gần đây thâm hụt 10-11 tỉ đô la Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng việc thâm hụt thương mại của Việt Nam không phải là vấn đề Việt Nam - Trung Quốc mà là vấn đề kinh tế vĩ mô của bản thân Việt Nam. Hiện 70% hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng trung gian - tức nhập để sản xuất, và “60% hàng trung gian này là về dán mác, và sản xuất lại để bán nội địa, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”, ông Thành cho biết.
Việt Nam cũng kỳ vọng việc hội nhập kinh tế sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn khả quan hơn về Việt Nam, và đầu tư sẽ tăng lên, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tạo ra nhiều việc làm mới. Thực tế, đầu tư nước ngoài chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ do sự mở cửa của lĩnh vực này. Ngoài ra, đầu tư vào bất động sản, khách sạn, nhà hàng chiếm vị trí đầu trong thu hút đầu tư FDI, nhưng những lĩnh vực mà Việt Nam muốn thu hút, như y tế, nông nghiệp lại không thu hút được nhiều đầu tư.
“Các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ lợi nhuận trước mắt, và những yếu kém của Việt Nam. Họ nhập vào để bán lãi hơn rất nhiều. Cơ chế hiện nay của Việt Nam là khuyến khích họ nhập nhiều hơn là sản xuất”, ông Nguyễn Đăng Bình, Phó vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhận xét.
“Sau bốn năm gia nhập WTO, cách chúng ta giải trình với thị trường cũng chưa tốt. Bên cạnh những cú sốc rất lớn từ bên ngoài (khủng hoảng lương thực, môi trường, ....), chúng ta ứng xử với bất ổn kinh tế vĩ mô còn quá vất vả”, ông Thành nói.
CIEM đã có báo cáo đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam sau ba năm gia nhập WTO, để thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com