Trong phiên giao dịch cuối tuần 1/7, cũng là phiên đầu tiên của tháng Bảy, giá dầu trên thị trường châu Á đã quay đầu đi xuống do các nhà đầu tư tranh thủ bán ra chốt lời sau mấy phiên tăng giá gần đây.
Chốt phiên 1/7 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI), giao tháng Tám giảm 80 xu, xuống còn 94,62 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 81 xu xuống còn 111,67 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên ngày 30/6, đà đi lên của giá dầu cũng đã tạm thời bị chững lại và có những biến động trái chiều khi trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI), giao tháng Tám chốt phiên này giảm 43 xu, xuống còn 94,99 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại tăng 43 xu, lên 111,97 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng mạnh sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua gói kế hoạch kinh tế khắc khổ - điều kiện cần để nước này đổi lấy khoản tín dụng khẩn cấp 12 tỷ euro từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), nhằm đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ của nước này - một kịch bản có thể tạo ra "hiệu ứng domino" đối với các nước châu Âu khác cũng như có thể làm "rung chuyển" hệ thống tài chính toàn cầu.
Thông tin này đã khiến giới đầu tư phấn chấn và đưa euro lên giá so với USD. Khi đồng tiền xanh yếu đi, thì dầu mỏ - loại hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền này - trở nên rẻ hơn, thúc đẩy nhu cầu mua vào và đẩy giá dầu tăng lên.
Giá dầu đi lên còn nhờ thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ ngày 29/6 cho biết, lượng dự trữ dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã giảm 4,4 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự kiến của giới phân tích, chứng tỏ nhu cầu dầu tại Mỹ đã tăng lên.
Như vậy là tính đến cuối tháng Sáu (30/6), thị trường dầu đã lấy lại được phần lớn những gì đã để mất từ sau ngày 23/6 - thời điểm mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã bất ngờ thông báo sẽ rút 60 triệu thùng dầu ngay trong tháng Bảy từ kho dự trữ chiến lược để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại Libya và kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sau khi đi lên nhờ các yếu tố cơ bản như vấn đề Hy Lạp, đồng USD yếu đi, lượng dầu dự trữ tại Mỹ giảm và chỉ số công nghiệp của khu vực Chicago (Mỹ) mạnh hơn dự kiến, giá dầu trong phiên đầu tiên của tháng Bảy đã bị chặn lại trên thị trường châu Á do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư.
Mặt khác, những nhân tố hỗ trợ giá dầu cũng bị hạn chế bởi những ảnh hưởng từ quyết định rút dầu khỏi các kho dự trữ chiến lược của các quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới, cũng như từ những lo ngại dai dẳng về tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu./.
(TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com