Dịu bớt sau tuyên bố của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak chấp nhận chấm dứt sự nghiệp chính trị sau 30 năm "trị vì", giá dầu lập tức nóng trở lại khi những bản sao biến động ở xứ sở của các Pharaoh đang lây lan nhanh chóng qua làn sóng biểu tình và bạo loạn ở vựa dầu của thế giới, từ Trung Đông tới Bắc Phi.
Giá dầu cao đang tăng áp lực lên nền kinh tế của nhiều quốc gia. |
Một lần nữa xuyên thủng ngưỡng 100 USD, dầu Brent 36 giờ qua đã thẳng tiến tới mức giá cao nhất trong 28 tháng gần đây khi tăng 55 cent, tương đương 0,5% lên 103,63 USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe Exchange tại London. Trong khi đó, dầu thô ngọt nhẹ tại New York cũng thêm 48 cent để giao dịch ở mức 85,29 USD/thùng.
Những lời trấn an từ các nhà phân tích rằng thị trường dầu thô sẽ không bị chi phối nhiều bởi cuộc khủng hoảng chính trị trong thế giới Arab cũng không khiến giới đầu tư hết lo ngại về khả năng nguồn cung bị ảnh hưởng do những bất ổn đang lan rộng. Mặc dù vẫn đang duy trì nhiệm vụ là tuyến vận tải đường biển chủ chốt nối châu Âu và châu Á, song việc kênh đào Suez từng bị đóng cửa khiến cả triệu thùng dầu bị dồn ứ mỗi ngày khi cuộc nổi dậy Ai Cập ở đỉnh cao là thực tế cảnh báo nguy cơ về sự gián đoạn nguồn cung vẫn chưa được loại trừ. Sự ra đi của Tổng thống H.Mubarak rõ ràng không những chưa thể đặt dấu chấm hết cho căng thẳng chính trị tại Ai Cập mà còn mở đầu cho những khó khăn mới đang đợi chờ 80 triệu người dân nước này.
Cuộc cách mạng bên sông Nile đang tạo phản ứng dây chuyền ở khu vực sản xuất dầu mỏ chủ chốt của thế giới - dù lúc mạnh, lúc yếu - sẽ tiếp tục là nhân tố tác động trực tiếp tới giá dầu thô trên thị trường toàn cầu. Ai Cập xuất xưởng 740.000 thùng dầu/ngày, chỉ chiếm khoảng 0,8% sản lượng toàn cầu nhưng có tới 2,4 triệu thùng dầu được chuyển qua kênh Suez mỗi ngày, tương đương sản lượng của Iraq hay Brazil. Do đó, không hề quá khi cho rằng chừng nào một chính quyền dân sự chưa nắm quyền ở Ai Cập và rối loạn chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi chưa được giải quyết thì giá "vàng đen" khó kết thúc chuỗi biến động chủ yếu theo xu hướng tăng như đang diễn ra.
Tuy nhiên, bên cạnh sự lung lay của các quân bài domino chính trị, quyết định tăng tốc kim ngạch nhập khẩu dầu thô trong tháng 1, đạt mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua của nền kinh tế khát năng lượng Trung Quốc cũng tạo thêm lý do để các nhà đầu tư đặt cửa thị trường nhiên liệu. Theo cơ quan hải quan nước này, nhập khẩu dầu thô trong tháng 1 của Trung Quốc lên tới 5,1 triệu thùng/ngày do nhu cầu sử dụng dầu diesel tăng cao để phục vụ thủy lợi tại các vùng hạn hán giữa lúc báo cáo về tình hình xuất khẩu của Trung Quốc tăng 38% trong tháng 1. Số liệu này khiến khả năng tiêu thụ dầu mỏ tại quốc gia đông dân nhất thế giới được dự báo sẽ lập những kỷ lục mới trong thời gian tới. Ngoài ra, một mùa đông khắc nghiệt khác thường tại nhiều khu vực của bán cầu Bắc cũng là một nguyên nhân giải thích hiện tượng giá "vàng đen" phi mã trong những ngày gần đây.
Nhìn chung, các thông tin đang ủng hộ cho đà đi lên của giá dầu thế giới trong thời gian tới. Một thị trường nhộn nhịp bán mua có thể là cơ hội vàng cho giới cầm tiền toàn cầu; nhưng đây không phải là tin tốt lành với các nỗ lực chống lạm phát của hàng loạt chính phủ. Không chỉ nhiều quốc gia châu Á đang gấp rút tìm phương cách ứng phó với vấn nạn giá tiêu dùng tăng, mà áp lực giá cả cũng đã gõ cửa quốc gia từng lo lắng vì giảm phát là Nhật Bản; đồng thời đã lên mức cao nhất trong hai năm qua tại Anh. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lo ngại tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới sẽ đe dọa tới tiến trình hồi phục của kinh tế toàn cầu. Có điều, cảnh báo này không thể thay đổi quy luật giá cả sẽ bị chi phối bởi quan hệ cung - cầu. Làm thế nào để hạn chế tác động của giá dầu tăng lên các nền kinh tế vừa thoát đáy khủng hoảng đang là bài toán làm đau đầu nhiều chính phủ.
(Theo Vân Khanh/HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com