![]() |
Với người chăn nuôi chính sách bình ổn thức ăn chăn nuôi không giúp gì nhiều cho họ. Trong ảnh: Thức ăn chăn nuôi đang được bán tại một đại lý. Ảnh: TL. |
Đã 14 tháng kể từ khi Quyết định 116/2009/QĐ-TTg về bình ổn giá thức ăn chăn nuôi có hiệu lực nhưng mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng giá, và chính sách bình ổn vẫn cứ nằm trên giấy.
Thất bại vì phụ thuộc nguyên liệu ngoại nhập
Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi heo Tiên Phong, cho biết, trong nhiều tháng cuối năm 2009, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, các trang trại chăn nuôi gần như đứng trước áp lực giảm đàn.
“Khi quyết định 116 có hiệu lực (ngày 15-9-2009), tôi hy vọng mọi việc sẽ tốt hơn cho người chăn nuôi nhưng thực tế thì trong 14 tháng qua, hợp tác xã chúng tôi không hưởng lợi gì từ quyết định nói trên”, ông Chí nói.
Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi và thức ăn gia súc Kim Long tại thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương tỏ ra bức xúc khi được hỏi về chính sách bình ổn giá. Theo đánh giá của ông Kim, chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi hiện nay khó mà phát huy hiệu quả vì gần 70% nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn phải nhập khẩu, thậm chí ở một số mặt hàng, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 90%. "Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng nội tệ và đô la Mỹ đã thay đổi gần 10% trong thời gian qua khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng nên giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm phải tăng theo", ông Kim nói thêm.
Còn ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng bản thân quyết định 116 đã thất bại ngay từ khi mới ra đời. “Nội dung quyết định khá sơ sài và doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi không biết 'bám víu' vào đâu để được hưởng lợi như ý định mà những người làm chính sách đưa ra”, ông Xuân nói.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Thanh Bình kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết hiện chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nằm trong danh sách những doanh nghiệp có nhiệm vụ bình ổn giá, nghĩa là khi tăng giá bán các mặt hàng thức ăn chăn nuôi phải có tờ giải trình với cơ quan chức năng. Trong khi đó, cả nước hiện có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhỏ, nếu chỉ có 10 doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bình ổn giá thì theo ông Bình, gốc rễ của vấn đề không thể giải quyết được. Cũng giống như ông Kim, ông Bình lý giải, giá thức ăn chăn nuôi tăng là do quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập.
“Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nằm trong danh sách bình ổn giá được tăng giá mỗi lần không quá 4% giá trị mặt hàng nhưng trong năm qua nhiều doanh nghiệp đã tăng giá thức ăn chăn nuôi vượt ra ngoài quy định này vì giá nhập nguyên liệu tăng quá cao”, ông Bình cho hay.
Biện pháp hỗ trợ phải xem xét lợi ích nhóm
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự báo năm nay giá thức ăn chăn nuôi sẽ không giảm mà sẽ tăng vì ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập, vì thế để bình ổn được giá, làm lợi cho người chăn nuôi, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cụ thể. Ông Bình cho rằng, chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi thất bại vì chính phủ đưa ra chính sách nhưng sau đó không có biện pháp hoặc hành động cụ thể nào, chẳng hạn như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế nhập khẩu hay giảm thuế VAT.
Theo ông, chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi phải xem xét đến lợi ích của các nhóm xã hội: nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng. Nếu thuế nhập khẩu giảm từ 5-10% như hiện nay xuống 0% thì các nhà nhập khẩu hưởng lợi (thường là những doanh nghiệp thương mại dịch vụ); khi bán nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất họ vẫn thu 5% thuế VAT và cứ mỗi lần thức ăn chăn nuôi bán cho một nhóm khác, người mua cũng phải chịu thuế.
Cùng ý kiến đó, ông Xuân cho rằng, cách hay nhất là hỗ trợ lãi suất vay ngoại tệ cho doanh nghiệp. “Hiện các doanh nghiệp nhập khẩu phải mua nguyên liệu bằng ngoại tệ, trong khi lãi suất cao như hiện nay, nếu không tăng giá bán thì doanh nghiệp chỉ phá sản”, ông Xuân nói.
Mới đây, công văn gửi Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, do ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Công Thương ký cũng chỉ rõ rằng, quyết định 116/2009/QĐ-TTg về việc bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, có đưa mặt hàng thức ăn hỗn hợp dạng viên dùng để nuôi cá tra, ba sa (số 05) có khối lượng từ 200g/con đến 500g/con vào danh mục bình ổn nhưng trong thực tế, một số công ty không phân loại được trọng lượng cụ thể theo quyết định này. Mặt khác, thành phần chính của các loại thức ăn cho cá hoặc tôm có trọng lượng khác nhau nên khó khăn trong thực hiện và quản lý. Để giúp người chăn nuôi nói chung, ngành thủy sản nói riêng, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định sửa đổi quyết định 116 sao cho phù hợp với tình hình. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com