Hàng loạt mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất cho đến tiêu dùng hằng ngày của người dân đang được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Cơ quan chức năng và các chuyên gia cho rằng, bên cạnh rủi ro về nhập khẩu, việc lệ thuộc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu kéo dài từ một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hoa quả Trung Quốc ngày càng lấn sân hoa quả nội. |
Cả sản xuất lẫn tiêu dùng
Theo số liệu của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong những năm gần đây luôn ở mức trên 10 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá trên cả nước đạt 83,755 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2011.
Trong khi Việt Nam xuất siêu được 34 triệu USD thì riêng thị trường Trung Quốc lại nhập siêu đến 11,3 tỉ USD. Dự báo nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc năm 2012 là 13 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, với tổng giá trị nhập khẩu lên tới 20,7 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, Trung Quốc ngày càng chiếm thị phần lớn ở hầu hết các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu, như: Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, trong 9 tháng các doanh nghiệp trong nước chi tới hơn 12 tỷ USD, thì riêng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 3,83 tỷ USD.
Trong số 9 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày Việt Nam, Trung Quốc cũng chiếm vị trí đầu bảng với tổng giá trị 3,12 tỷ USD.
Với mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Trung Quốc đang là nước “độc chiếm” thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay lên tới 2,3 tỷ USD.
Trong khi đó, các cường quốc công nghệ cao như Nhật Bản chỉ xuất khẩu vào Việt Nam được 1,2 tỷ USD, còn Hoa Kỳ và Singapore chỉ đạt ở mức 806 triệu USD và 738 triệu USD.
Thậm chí cả những mặt hàng lâu nay là lợi thế của Việt Nam, cũng đang tăng mạnh, như: Dây điện và dây cáp điện (tăng 36,23%), gỗ và sản phẩm gỗ (17,1%), hàng điện gia dụng và linh kiện (47,61%), nguyên phụ liệu dược phẩm (72,92%), hàng rau quả (21,24%), sản phẩm từ giấy (11,54%), nguyên phụ liệu thuốc lá (120,96%), phương tiện vận tải khác và phụ tùng (170,38%), dược phẩm (35,61%), bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (48,02%)...
Tính chung mức nhập siêu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm lên tới hơn 10 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, mục tiêu giảm dần nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều hơn những công nghệ xuất xứ từ Mỹ, châu Âu nhằm nâng cao hoạt động sản xuất trong nước vẫn chưa đạt được.
Lệ thuộc nguyên liệu đầu vào
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cũng lên tiếng cảnh báo về thâm hụt thương mại của kinh tế Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc. Theo nhóm nghiên cứu này, nhập siêu không hoàn toàn tiêu cực đối với các nền kinh tế.
Những quốc gia đang phát triển có thể phải chấp nhận thâm hụt thương mại trong quá trình chuyển đổi.
Tuy nhiên, nếu quy mô nhập siêu tăng cao và dai dẳng trong thời gian quá dài mà không có bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào như tình trạng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế.
Để giải quyết nhập siêu cần cải thiện năng lực cạnh tranh công nghiệp của nền kinh tế nói chung và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói riêng.
Về tình trạng nhập siêu kéo dài từ Trung Quốc, trả lời PV gần đây, ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương thừa nhận đến 90% nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất trong nước.
Việt Nam nhập khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc bởi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Về lâu dài, phụ thuộc vào một thị trường là không có lợi. “Quan hệ buôn bán hai nước được quản lý theo đường chính ngạch nhưng do địa lý nên tình trạng buôn bán hàng hóa qua cửa phụ, lối mòn, buôn lậu trên biển là rất nhiều. Vì vậy, các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả… dù cố gắng vẫn không kiểm soát hết được”- ông Chương nói.
Việt Nam tụt hậu xa so với khu vực Theo phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. Tỉ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12-13%, ngành sử dụng công nghệ trung bình khoảng 10%, trong khi ngành công nghệ thấp chiếm tỉ trọng trên 60%. Trong khi đó, năm 2009, tỉ trọng ngành công nghệ cao của Trung Quốc đã chiếm tới 35,6%, Malaysia là 45,7% và Thái Lan là 27%. Điều này cho thấy sự tụt hậu khá xa của Việt Nam so với các nước khác trong việc xác lập năng lực cạnh tranh công nghệ. |
(Theo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com