Chỉ còn một ngày nữa (sau 15/4), 50.000 trong tổng số 250.000 tấn đường được cho phép nhập khẩu trong năm 2011 sẽ về tới Việt Nam. Điều này đang khiến nhiều nhà máy đường, nhất là khu vực ĐBSCL lo sốt vó, do lượng đường tồn kho còn quá nhiều, lại đang vụ sản xuất.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước đang tồn kho khoảng 400.000 tấn đường, cao hơn cùng kỳ khoảng 100.000 tấn. Song song với lượng đường tồn khó quá lớn là tình hình tiêu thụ không mấy sáng sủa.
Nhà máy hết vốn
Tại thành phố Cần Thơ, ngày 13/4, giá đường bán lẻ đã giảm 200 - 300 đồng một kg so với hai ngày trước đó. Đường CASUCO loại 1 to (bao 20 - 50kg) có giá 19.200 đồng, loại bịch 1 kg giá 19.500 đồng (giảm 200 đồng một kg). Còn đường tinh luyện RE Biên Hòa (bao 50 kg) giá 20.500 đồng, giảm đến 300 đồng và đang tiếp tục giảm. Giá đường giảm do các nhà máy đường hết vốn trả tiền mua mía nguyên liệu, buộc lòng phải bán đường giá thấp. Mặt khác, lãi suất ngân hàng quá cao, doanh nghiệp không tham gia thu mua dự trữ, trong khi năm trước, lực lượng này sẵn sàng thu mua dự trữ, nên đã tiếp được gánh nặng cùng các nhà máy đường.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết, đến thời điểm này, các nhà máy đường trong nước đã sản xuất được khoảng 860.400 tấn, cao hơn cùng kỳ khoảng 70.000 tấn. Giá đường bán buôn hiện đã giảm hơn 1.000 đồng một kg và đang đứng ở mức giá 18.500 đồng nhưng rất khó tiêu thụ. Theo ông Long, nếu lượng đường tồn kho lúc này không được giải phóng, mỗi tháng nhà máy đường phải tốn thêm phí lưu kho 280 đồng một kg.
Để có vốn xoay sở, có nhà máy đường chỉ chào hàng với giá bán buôn 17.500 đồng một kg. Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty CP mía đường Sóc Trăng, cho biết, nhà máy đường trong nước đang chịu áp lực rất lớn về lượng đường tồn kho, ngân hàng thắt chặt tín dụng, lãi suất cho vay quá cao. Hiện công ty ông đang còn tồn khỏang 10.000 tấn đường. Với lượng đường tồn cộng với số sản xuất mới, mỗi tháng một kg đường mất đi 300 đồng, do lãi suất ngân hàng mà nhà máy vay đến 19% một năm. Ông Châu cho biết, đang cần vốn để thu mua mía nguyên liệu và trả nợ cho nông dân, nhưng chưa xoay sở được.
Hết sức cạnh tranh
Đại diện Công ty cổ phần đường Biên Hòa, chi nhánh Cần Thơ nhận định, nguồn cung đường thế giới và trong nước hiện đang rất dồi dào. Bên cạnh đó, từ 15/4, thuế suất nhập khẩu đường thô được điều chỉnh giảm từ 25% xuống 15%, đường tinh luyện giảm từ 40% xuống 15%. Giá đường thế giới nhập về ở thời điểm này mức 18.000 đồng một kg, cao hơn khoảng 1.000 đồng so với giá đường mà một số nhà máy đang chào bán. Song với mức thuế giảm, giá đường nhập khẩu sẽ thấp hơn rất nhiều giá đường trong nước, thì doanh nghiệp sản xuất sẽ không cạnh tranh nổi.
Nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL cùng chung nhận định, nếu đường nhập khẩu về, cộng thêm đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam tràn sang, càng tạo áp lực ép giá đường trong nước xuống, vì cung sẽ vượt cầu. Bởi, dự kiến kết thúc niên vụ 2010 - 2011, các nhà máy đường sẽ sản xuất hơn 1,091 triệu tấn, cao hơn niên vụ trước khoảng 190.000 tấn. Ông Trịnh Minh Châu đề nghị dời thời gian thông quan lượng đường nhập khẩu qua sau tháng 10, để các nhà máy đường trong nước tiêu thụ hết lượng đường tồn kho. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ lãi suất, vốn vay cho doanh nghiệp tạm trữ đường giống như tạm trữ lúa, cà phê…
Còn ông Nguyễn Thành Long cho rằng, thông thường vào tháng 8 hằng năm, khi xem xét tình hình, Bộ Công thương mới quyết định sản lượng đường nhập khẩu. Năm nay lại công bố quá sớm, trong khi đường tồn kho còn lớn, sẽ gây áp lực cho nhà máy đường trong nước. Bộ Công thương nên xem xét, lùi thời gian nhập khẩu 250.000 tấn đường đến cuối tháng 8, để ổn định giá trong nước.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com