Năm 2008, Vinafood 1 và Vinafood 2 lãi 4.500 tỉ đồng từ xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo của nước ta đến nay chủ yếu thông qua hai đầu mối là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), miền Nam (Vinafood 2), chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu. Có thể nói cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vẫn theo kiểu độc quyền của cơ chế quản lý tập trung bao cấp đã lỗi thời.
Nông dân bị tổn thất kép
Nhờ độc quyền, các tổng công ty có thể tự làm giá, điều tiết lưu thông mua bán lúa gạo của bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu theo ý chí chủ quan của mình, bất chấp cơ chế thị trường. Đương nhiên lợi nhuận từ xuất khẩu gạo phần lớn thuộc về số doanh nghiệp này.
Khi nắm trong tay thị trường tập trung (mua bán theo hình thức đấu thầu), các tổng công ty có đủ điều kiện định giá mua lúa gạo trong nước thấp hơn giá bỏ thầu để có lợi. Các đối tác nước ngoài mua gạo theo hợp đồng thương mại sẽ không dại trả giá cao hơn giá bỏ thầu của các tổng công ty tại thị trường tập trung. Đây là một tổn thất kép cho nông dân và nhà nước cũng do độc quyền mà ra.
Các tổng công ty vừa được hỗ trợ, vừa lãi to
Khi các tổng công ty lương thực chưa cần mua gạo nhằm kéo giãn tiến độ xuất khẩu thì lập tức giá lúa gạo trong nước xuống thấp. Kéo theo đó, các tổng công ty lương thực sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính, tín dụng để mua gạo tạm trữ.
Vụ lúa hè thu năm 2009, các tổng công ty lương thực đã nhận được hàng ngàn tỉ đồng từ gói kích cầu của Chính phủ, hưởng lãi suất bằng 0% trong ba tháng để mua tạm trữ trên 2 triệu tấn thóc với giá sàn 3.800 đồng/kg lúa. Chỉ ba tháng sau, Vinafood 2 đã bán cho thị trường Philippines 150.000 tấn gạo 25% tấm với giá 480 USD/tấn và sau đó bán 600.000 tấn gạo 25% tấm với giá 665 USD/tấn. Với giá bán này, sau khi quy ra tỉ giá và trừ đi mọi chi phí, Vinafood 2 xuất khẩu với giá xấp xỉ... 8.000 đồng/kg. Năm 2008, hai tổng công ty lương thực công bố thu lãi 4.500 tỉ đồng. Chia ra thì Vinafood 1 lãi 2.000 tỉ đồng, Vinafood 2 lãi 2.500 tỉ đồng. Hai năm 2009 và 2010, nhà nước tiếp tục hỗ trợ lãi suất để cho hai tổng công ty này mua tạm trữ hàng triệu tấn gạo.
Khuyết tật của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo kể trên đã gây bất bình cho người sản xuất, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và điều này làm giảm động lực sản xuất, triệt tiêu việc huy động nhân lực, vật lực để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Điều nguy hại hơn là tạo ra môi trường dễ phát sinh tiêu cực trong xuất khẩu gạo.
Cần đẩy nhanh cổ phần hóa
Để sản xuất, kinh doanh lúa gạo có hiệu quả cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh xuất khẩu gạo. Đây được coi là biện pháp dũng cảm, hữu hiệu quyết định thành công trong kinh doanh, xuất khẩu gạo. Trên thực tế, Công ty Cổ phần Lương thực-Thực phẩm Vĩnh Long hay Công ty Cổ phần Thương mại Thốt Nốt (Cần Thơ)… sau khi cổ phần hóa đều phát triển rất mạnh. Đó là minh chứng sống động được tổng kết trên cả lý luận và thực tiễn không thể chối cãi.
Dù là tổng công ty hay tập đoàn, khi đã cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán thì sớm muộn gì cơ chế độc quyền xuất khẩu gạo cũng không thể tồn tại. Khi đã cổ phần, doanh nghiệp biết phải làm gì để kinh doanh, xuất khẩu gạo có hiệu quả nhất, nhà nước sẽ không phải bao cấp. Các thành phần kinh tế đều được tham gia lưu thông, xuất khẩu gạo và hoạt động bình đẳng theo cơ chế thị trường, chịu sự kiểm tra của nhà nước. Tất cả tạo nên sân chơi sôi động nhằm đẩy mạnh khả năng tiêu thụ sản phẩm. Giá lúa gạo của nông dân ngày càng sát với giá thị trường thế giới.
Nhà nước cần quản lý xuất khẩu gạo theo pháp luật, tránh can thiệp mang tính giải pháp. Chính phủ hỗ trợ nông dân được vay đủ vốn, trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi qua chương phát triển “tam nông” để tái sản xuất, xây kho tạm trữ, lò sấy, sân phơi lúa gạo ngay từ trong các nông hộ. Làm tốt việc này sẽ tạo ra hàng triệu nông dân tham gia bình ổn thị trường, giá cả điều tiết tiến độ thu mua... để cho xuất khẩu lúa gạo có lợi nhất.
Ông Trần Đức Tụng
Nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com