Nguyên lý 80/20 do nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Pareto phát hiện ra cách đây trên 100 năm. Nội dung của nguyên lý có thể hiểu là 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân chính hay 20% nỗ lực hiệu quả mang đến 80% kết quả.
Vận dụng nguyên lý 80/20 trong điều hành ngắn hạn
Ngày nay nguyên lý 80/20 đã ăn sâu vào tiềm thức của các doanh nhân, các nhà quản lý doanh nghiệp trên thế giới như một kỹ năng quản trị hiệu quả.
Khi phân tích số liệu xuất nhập khẩu các năm trước và của năm 2010 (xem bảng), thật thú vị là một dạng của nguyên lý 80/20 xuất hiện tương đối điển hình. 20 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất có tổng giá trị chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu và tương tự 20 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất chiếm 80% tổng giá trị nhập khẩu. Số liệu trên đưa đến hy vọng có thể vận dụng nguyên lý đó để điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước có hiệu quả hơn.
Theo đó, việc tập trung điều hành 20 mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều là chia đều nỗ lực cho tất cả các sản phẩm xuất khẩu khi mà lượng nhỏ các mặt hàng chủ lực này tác động đến phần lớn giá trị xuất khẩu của đất nước. Cần tập trung hỗ trợ về cơ chế, chính sách thuế, chủ trương đến ưu đãi vốn, đào tạo nhân lực cho doanh nghiêp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cụ thể là các lĩnh vực như dệt may, giày dép, thủy sản, khai thác dầu khí, điện tử, gạo, cao su và cà phê...
Quan sát theo nguyên lý 80/20 về thị trường, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, một số ít thị trường chiếm phần lớn xuất khẩu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc. Do vậy việc đầu tư nghiên cứu, xúc tiến thương mại tập trung chính ở những thị trường này sẽ mang lại hiệu quả cao với chi phí ít tốn kém hơn. Việc mở rộng các thị trường xuất khẩu mới cho hàng hóa Việt Nam là cần thiết nhưng cho tương lai dài hạn khi chúng ta đã củng cố vững chắc ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Để hạn chế nhập siêu chúng ta cần quản lý có hiệu quả việc nhập khẩu của 20 nhóm ngành hàng chính như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, thép, máy tính, linh kiện, vải… Tuy nhiên về dài hạn cần có chiến lược khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế dần hàng nhập khẩu. Bảng số liệu minh họa xuất nhập khẩu theo nguyên lý 80/20 của Việt Nam năm 2010. |
Để hạn chế nhập siêu chúng ta cần quản lý có hiệu quả việc nhập khẩu của 20 nhóm ngành hàng chính như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, thép, máy tính, linh kiện, vải…
Tuy nhiên về dài hạn cần có chiến lược khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế dần hàng nhập khẩu đối với những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu nói trên. Đó mới là định hướng đúng để xây dựng nền kinh tế hướng ra xuất khẩu có hiệu quả cao và bền vững.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc rõ ràng là một đối tác quan trọng song lại là một thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, trên 12,6 tỉ đô la Mỹ năm 2010. Phần lớn nhập siêu của chúng ta xuất phát từ Trung Quốc mà nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan của nước nhà còn nhiều yếu kém. Để hạn chế nhập siêu với người láng giềng Trung Quốc cần rất nhiều nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược đầu tư dài hạn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan.
Trong ngắn hạn, vận dụng nguyên lý 80/20 để kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu những mặt hàng trong nước sản xuất được thì hạn chế nhập, những mặt hàng trong nước chưa thay thế được thì có thể tìm nguồn cung cấp từ thị trường khác, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, làm mất cân đối nghiêm trọng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Thị trường nội địa là then chốt
Trên thế giới ít có doanh nghiệp nào thành công trên thị trường quốc tế mà không có vị thế lớn ở thị trường nội địa. Các doanh nghiệp quốc tế thường chỉ xuất khẩu hay mở rộng hoạt động ra nước ngoài khi họ trải qua sức ép cạnh tranh gay gắt và giành được những thành công trong nước.
Tuy nhiên, điều này dường như không đúng với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu trong khi thị trường nội địa bị bỏ ngỏ cho các nhà sản xuất nước ngoài hay đúng hơn các doanh nghiệp này chủ yếu là sản xuất gia công theo đơn đặt hàng mà chưa chú trọng xây dựng thương hiệu của riêng mình trong nước và ở thị trường quốc tế. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, trở lại thì thị trường trong nước không còn là chỗ dựa vững chắc cho hoạt động của mình.
Hàng dệt may, giày da đã từng có giai đoạn như vậy khi mà thị trường trong nước một thời gian dài để cho hàng Trung Quốc mặc sức tung hoành. Điều này lý giải vì sao dù đứng trong nhóm những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới song các doanh nghiệp dệt may, giày da của Việt Nam vẫn chưa có một vị trí đúng nghĩa trên trường quốc tế. Bởi họ vẫn chưa thực sự xây dựng được thương hiệu của riêng mình ở thị trường trong nước và trưởng thành qua giông bão trên sân nhà.
Ví dụ ở Nhật Bản, thị trường nội địa luôn là nơi cạnh tranh gay gắt nhất của các doanh nghiệp Nhật trong cùng một ngành, họ luôn có chiến lược riêng cho thị trường nội địa và hàng hóa cung cấp cho thị trường Nhật luôn có chất lượng tốt nhất. Những sản phẩm mới thường được cung cấp cho người tiêu dùng Nhật Bản trước khi được xuất khẩu ra nước ngoài. Điều đó đưa các doanh nghiệp Nhật Bản thành công và có tính cạnh cao trên khắp thế giới.
Một số doanh nghiệp Việt Nam thành công bước đầu trên trường quốc tế gần đây đều là những doanh nghiệp ít nhiều đã khẳng định vững chắc vị trí và thương hiệu trên thị trường nước nhà trước khi mở rộng hoạt động, xuất khẩu ra nước ngoài.
Phát triển tổ hợp các ngành phục vụ xuất khẩu
Với những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, dễ nhận thấy rằng chủ yếu là chúng ta vận dụng những lợi thế sẵn có về nông sản và liên quan như gạo, cà phê, thủy sản, cao su, đồ gỗ hoặc các sản phẩm có nguồn gốc tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, than đá hay các mặt hàng chế xuất sử dụng nguồn lao động giá rẻ như dệt may, giày dép. Nếu vẫn tiếp tục đi theo định hướng ngắn hạn, xuất khẩu của chúng ta sẽ không có nhiều đột phá và dễ lạc lối đến một nền kinh tế chủ yếu là gia công và xuất khẩu thô có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng nhiều lao động, thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và ở cấp độ thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến một ngày thị trường xuất khẩu bão hòa, mặt hàng xuất khẩu hết lợi thế cạnh tranh, các nguồn tài nguyên cạn kiệt, các điều kiện sản xuất không còn thuận lợi, khi đó chúng ta khó mà duy trì tăng trưởng ổn định xuất khẩu ở tốc độ cao.
Phát triển tổ hợp các ngành phục vụ xuất khẩu tạo nên sự gắn kết giữa các ngành, mà ở đó công nghiệp phụ trợ và liên quan là then chốt sẽ là chìa khóa cho thành công trong tương lai. Chẳng hạn chúng ta có thể phát triển tổ hợp công nghiệp dệt may bao gồm: nguyên liệu đầu vào từ bông, vải sợi, dệt vải, dịch vụ thiết kế, thời trang, cơ khí máy khâu, máy dệt, công nghiệp nhuộm, giặt là, nghiên cứu thị trường.
Tương tự là tổ hợp công nghiệp giày da, tổ hợp công nghiệp đồ gỗ, tổ hợp các ngành nghiên cứu giống mới, thâm canh, cơ khí hóa, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam...
![]() |
![]() |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com