![]() |
Tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 5 tháng đầu năm tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009 |
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), trong 4 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến, trong tháng 5/2010, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 350 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 5 tháng đầu năm lên 1,45 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VIFORES, nhu cầu thị trường phục hồi trở lại sau thời kỳ suy giảm do ảnh hưởng của suy thoái, lượng đơn hàng của các DN đã ký được đến hết năm 2010, với tổng kim ngạch 3 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với năm 2009.
Bên cạnh sự hồi phục ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), đồ gỗ Việt Nam đã bước đầu thâm nhập thị trường một số nước Đông Âu. Mặc dù lượng hàng khá khiêm tốn, nhưng cho thấy tiềm năng xuất khẩu còn khá lớn.
Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, trái ngược với những lo lắng về sự ngặt nghèo của Đạo luật Lacey có thể gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu đồ gỗ, trong 5 tháng qua, lượng hàng các DN xuất khẩu vào thị trường này tăng mạnh (ước tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2009). Không những thế, các nhà nhập khẩu Mỹ còn ký hợp đồng đơn hàng với các DN kinh doanh chế biến, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đến hết năm 2010.
Ông Quyền cho biết, thực hiện Đạo luật Lacey, Mỹ yêu cầu các DN xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này phải cung cấp thông tin chi tiết, trung thực về sản phẩm gỗ xuất khẩu, như nguồn gốc nguyên liệu, các hóa chất sử dụng (sơn, véc-ni), hóa chất sử dụng trong các loại vải sử dụng trong đồ gỗ... theo một bản khai do phía Mỹ cung cấp. Các cơ quan chức năng của nước này sẽ căn cứ vào bản khai để kiểm tra, xác minh lại. Nếu phát hiện khai báo không đúng, DN xuất khẩu sẽ bị xử phạt rất nặng.
“Điều đáng mừng là ý thức chấp hành của các DN kinh doanh, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ khá cao, nên hầu hết các DN chấp hành nghiêm các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Theo đó, các DN xuất khẩu gỗ đã chứng minh được tính hợp pháp về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, ván nhân tạo được phép sử dụng...”, ông Quyền nói và cho hay, trước đó, VIFORES rất lo ngại về Quy định Sử dụng sản phẩm an toàn của Mỹ (các sản phẩm không gây độc hại đối với sức khoẻ con người). Tuy nhiên, các DN đã nhanh chóng cập nhật thông tin cần thiết, từ đó thực hiện đúng các yêu cầu về sử dụng hóa chất. Cho đến thời điểm này, chưa có lô hàng nào bị phía nhập khẩu trả về vì vi phạm quy định.
“Năm 2009, không chỉ lượng đơn hàng giảm, mà giá trị các hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ cũng giảm tới 10% so với năm 2008, nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, giá đơn hàng đã tăng khoảng 3%”, ông Quyền nói.
Theo thống kê của VIFORES, trong những tháng đầu năm, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2009. “Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2010 có thể tăng cao hơn nhiều so với năm 2009, song do giá gỗ nguyên liệu, đặc biệt là vật liệu phụ trợ (ốc vít, tay nắm, chìa khoá, bản lề, giấy nháp, sơn...) tăng rất mạnh, trong khi các DN hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu, nên lợi nhuận của DN chỉ ở mức vừa phải”, ông Quyền nhận định.
(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com