Đại đa số các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, rau quả, dệt may, giày dép, điện, điện tử sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu trên các thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Niu Di-lân và Ấn Độ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhận định như vậy khi trao đổi về những cơ hội và thách thức do các FTA tạo ra cho Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết theo các FTA, 94% kim ngạch xuất khẩu của ta sang Nhật Bản đã được miễn thuế từ năm 2009, gần 100% hàng xuất khẩu sang ASEAN không phải chịu thuế từ năm 2010. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng cam kết bãi bỏ thuế nhập khẩu cho 90% số dòng thuế từ năm 2010. Với Ôxtrâylia và Niu Di-lân, tỷ lệ tương ứng là 96,4% và 85%. Đến năm 2018, 100% hàng xuất khẩu của ta sang Ôxtrâylia và Niu Di-lân sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Với Ấn Độ, từ năm 2010, 75% số dòng thuế đã về 0% và tới năm 2016 sẽ nâng lên thành 90% số dòng thuế.
Đánh giá thế về việc tận những cơ hội đó của các doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, các doanh nghiệp của ta đã dần chủ động hơn trong việc tận dụng ưu đãi thuế trong các FTA. Tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của ta là khá cao so với các đối tác trong khu vực và đang có xu hướng tăng lên qua các năm.
Trong năm 2009, khoảng 25% xuất khẩu của Việt Nam đã tận dụng được ưu đãi thuế trong các FTA. Cụ thể, gần 12% xuất khẩu sang ASEAN đã được hưởng ưu đãi thuế, tăng mạnh so với mức 6% của năm 2005. Với Trung Quốc, tỷ lệ này là 22%. Đặc biệt, gần 80% xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đã được hưởng ưu đãi thuế. Với Nhật Bản, dù mới triển khai FTA nhưng 28% xuất khẩu của ta đã được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào thị trường nước này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là thấp hơn ở những đối tác có cơ cấu xuất khẩu tương đồng với Việt Nam (như ASEAN, Trung Quốc) và cao hơn ở những đối tác có cơ cấu xuất khẩu bổ sung cho Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản). Đây là kết quả có ý nghĩa cho việc nghiên cứu, lựa chọn đối tác đàm phán, ký kết FTA sau này.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, các hiệp định thương mại mang ý nghĩa chiến lược, có thể làm thay đổi bản chất nền kinh tế, làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu đủ mạnh, các sức ép này sẽ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với môi trường mới.
Các hiệp định FTA đều hướng tới việc xóa bỏ rào cản trong thương mại và đầu tư. Vì vậy, cạnh tranh đối với doanh nghiệp là thách thức quan trọng nhất mà các hiệp định thương mại tạo ra. Nếu đủ mạnh, các sức ép này sẽ dẫn tới việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với môi trường mới. Đây là thách thức phát sinh, có ý nghĩa với các nhà quản lý bởi nhiệm vụ của họ là nhìn trước sự vận động, từ đó tạo ra môi trường giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu diễn ra suôn sẻ hơn, với chi phí thấp hơn.
Các FTA thế hệ mới, bên cạnh việc xóa bỏ rào cản trong thương mại và đầu tư, còn hướng đến việc minh bạch hóa và tạo môi trường chính sách ổn định, nhất quán, bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ môi trường và những quyền lợi cơ bản của người lao động. Các FTA loại này đặt ra những thách thức nhất định cho việc thực thi, nhất là với các nước đang phát triển ở trình độ thấp như nước ta.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, một FTA nhiều bên sẽ không thể có lộ trình giảm thuế áp dụng chung bởi các nước có trình độ phát triển khác nhau và có danh mục mặt hàng nhạy cảm khác nhau. Thông thường, các nước sẽ đưa ra danh mục nhạy cảm của mình (danh mục không giảm thuế hoặc chỉ giảm một phần), sau đó tập trung đàm phán để rút gọn danh mục này. Danh mục này càng ngắn thì danh mục giảm thuế theo lộ trình chung càng lớn. Đó là cách làm duy nhất.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com