![]() |
Một tỷ lệ nguyên phụ liệu của ngành may hiện nay đều phải nhập khẩu |
Rất khó để có thể “giải” bài toán nhập siêu đang ngày càng gia tăng trong thời gian ngắn, khi mà sản xuất trong nước còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng Việt Nam.
Chiếc phi cơ riêng mà ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, vừa mua có giá gần 13 triệu USD, hay chuyện vài “đại gia” khác cũng có kế hoạch tậu những chiếc phi cơ với giá khoảng 15 triệu USD chắc chắn đang khiến các cơ quan quản lý chức năng thêm phần bối rối khi mà họ đang phải căng sức tìm giải pháp để kiềm chế nhập siêu. Dĩ nhiên các đại gia này có những tính toán của riêng mình khi bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để vừa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp mà mình làm chủ, vừa khẳng định được vị thế doanh nhân của mình, không đơn thuần là xài sang, khoe của. Nhưng cũng chính lý do “hiệu quả” mà các doanh nghiệp tư nhân này đưa ra đã khiến các cơ quan chức năng không thể không chấp nhận. Nhất là khi đây lại không phải tiền của nhà nước.
Không phải chỉ có các doanh nghiệp tư nhân mới vậy, ngay ở các doanh nghiệp nhà nước, khi bỏ ra một món tiền lớn thì vấn đề đầu tiên cũng được nhắc tới là “hiệu quả”. Cũng bởi lý do chính đáng này mà chuyện can thiệp của các cơ quan hữu trách vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp nhà nước là không dễ dàng. Không kể yếu tố công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển khiến cho các doanh nghiệp buộc phải dùng hàng nhập khẩu thì câu chuyện hiệu quả của doanh nghiệp cũng luôn là một “trở ngại” có lý khi giải quyết vấn đề nhập siêu của các cơ quan hữu trách.
Trên thực tế, việc khuyến khích dùng hàng trong nước sản xuất, nhất là các sản phẩm công nghiệp, không phải lúc nào cũng nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp. Nguyên nhân không đơn thuần chỉ là việc trong nước chưa sản xuất được hay chất lượng sản phẩm còn kém.
Một quan chức của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam từng tâm sự, khi chuẩn bị tổ chức đấu thầu cung cấp thiết bị phục vụ cho nhà máy bauxit đầu tiên của Việt Nam, TKV nhận thấy một số thiết bị đơn lẻ như băng chuyền, thiết bị cơ khí cồng kềnh trong nước có thể sản xuất được với chất lượng tốt. Tuy nhiên, sau nhiều lần “nhấc lên đặt xuống” các lãnh đạo TKV đã chọn phương án mua đồng bộ thiết bị, máy móc, dây chuyền của nước ngoài, thay vì tách thành vài gói thầu nhỏ khác để dành cho các doanh nghiệp trong nước. “Không phải chúng tôi không tin doanh nghiệp trong nước không làm được, thậm chí họ làm được tốt, nhưng nói thật giá của các doanh nghiệp trong nước đưa ra cao hơn nhập khẩu”, một quan chức của TKV lý giải.
Nhưng lý do quan trọng hơn khiến cho hàng nội bị loại ra khỏi cuộc chơi là chuyện không đáp ứng được tiến độ đặt ra như đã cam kết ban đầu. “Đã có những công trình khi được giao doanh nghiệp trong nước hứa rất nhiều, nhưng nhận được thầu rồi thì lại kéo dài việc thực hiện hợp đồng. Một khâu do doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm không hoàn thành đúng kế hoạch, trong khi nhà thầu nước ngoài lại đảm bảo tiến độ cam kết, đủ để khiến chủ đầu tư lâm vào cảnh éo le. Phạt doanh nghiệp trong nước không chỉ là “nỡ hay không”, mà có khi còn không dễ phạt. Trong khi đó, chậm một khâu có thể khiến nhà thầu nước ngoài vin vào đó để chây ỳ thi công và cuối cùng chủ đầu tư lại phải gánh hết trách nhiệm chậm tiến độ, chậm công trình và mất hết thành tích”, vị quan chức TKV này trải lòng. Không chỉ dự án bauxit Lâm Đồng chọn cách mua đồng bộ dây chuyền, thiết bị từ nước ngoài, mà rất nhiều dự án nhiệt điện than được thực hiện thời gian qua cũng chấp nhận phương án này thay vì cố gắng tìm mua các thiết bị lẻ đã sản xuất được trong nước. Điều đáng nói là, trong số thiết bị máy móc đó, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất và cung cấp các máy phát điện có công suất tới 50 MW.
Hiệu quả của doanh nghiệp luôn là một “trở ngại” có lý trong câu chuyện giải quyết vấn đề nhập siêu của các cơ quan hữu trách. |
Câu chuyện “hiệu quả của doanh nghiệp” cũng khiến các doanh nghiệp nhà nước, nơi đang nhập khẩu số lượng lớn các nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, cũng khó ngồi lại với nhau. Ba tháng trước, các doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất khi thở than về những khó khăn của mình trong năm 2010 đã cho hay, dù năng lực sản xuất phân bón NPK hiện có là hơn 2 triệu tấn, vượt xa so với mức cầu mới chỉ ở khoảng 1,7 triệu tấn, thì TCT cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), nơi có nhà máy Đạm Phú Mỹ, lại đang xây dựng thêm một nhà máy sản xuất phân bón NPK có công suất 300.000 tấn/năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế lại phải chi thêm tiền để đầu tư một nhà máy phân bón NPK với các thiết bị nhập khẩu là chính, dù đang thừa công suất. Giám đốc một doanh nghiệp phân bón dự đoán, chắc PVFCCo sẽ bán kèm phân đạm Phú Mỹ với phân lân NPK như đang bán đạm Phú Mỹ kèm với đạm nhập khẩu. Còn đại lý, do mua phân đạm Phú Mỹ rẻ hơn so với hàng nhập khẩu vài giá, chắc chắn sẽ đồng ý mua kèm cả phân NPK, dù có khả năng giá NPK của PVFCCo chưa chắc sẽ rẻ như của đơn vị đã sản xuất lâu năm”. Đáng nói là, cả PVFCCo lẫn nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón NPK đều là thành viên của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, và do đó câu chuyện dư thừa công suất sản xuất phân bón NPK tại Việt Nam hiện nay không phải là điều bí mật gì cả. Không những có thêm nhiều doanh nghiệp lao vào lĩnh vực sản xuất này mà còn không thiếu doanh nghiệp thương mại cũng quyết tâm nhập khẩu NPK về để tiêu thụ khi có lợi thế về giá so với hàng sản xuất trong nước. Cốt lõi của vấn đề cũng không có gì khác ngoài hai chữ “hiệu quả”.
Với bài toán hiệu quả, chắn chắn nhập khẩu để nhanh, tốt, thậm chí rẻ hơn, sẽ là lựa chọn hàng đầu, và nhiều khi là duy nhất, của các doanh nghiệp sản xuất trong nước so với chuyện đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ (Xem thêm bài “Tầm vóc người Việt” trang…67). Dù đây là cách nghĩ và cách làm thực tế ở nhiều doanh nghiệp, nhưng xem ra lại không có lợi cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi nói về cách ứng xử của các doanh nghiệp gia công xuất khẩu đã dẫn chứng câu chuyện các doanh nghiệp dệt may Đài Loan hay Hồng Kông dù đầu tư nhà máy tại Việt Nam vẫn tìm mua hoặc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu được sản xuất ở “quê nhà”, hoặc mua của các doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông đang đầu tư tại Việt Nam, thay vì mua hàng của các doanh nghiệp Việt. “Khép kín và khó xâm nhập vào hệ thống mua hàng của các doanh nghiệp Đài Loan, dù doanh nghiệp Việt Nam có thể cấp hàng tới tận cổng nhà máy, là thực tế không chỉ trong ngành dệt may mà còn ở cả trong lĩnh vực da giày. Lý do là họ muốn cộng đồng doanh nghiệp của họ cùng lớn mạnh, ngành công nghiệp có thị trường để phát triển. Xem ra đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam còn phải học nhiều”, ông Ân bình luận.
(Theo Hoàng Minh // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com