Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,35 tỉ USD/tháng, cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 0,23 tỉ USD so mức bình quân 6 tháng đầu năm 2008 - năm có đột biến về thị trường và giá hàng hoá thế giới.
![]() Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 32,12 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Theo báo cáo của bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 6 tỉ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2009 nhưng giảm 4,9% so với tháng 5 (chủ yếu do tái xuất vàng giảm).
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,12 tỉ USD (bằng 53 % mục tiêu kim ngạch xuất khẩu do Chính phủ giao), tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009 tương đương với 4,37 tỉ USD.
Như vậy nếu trong 6 tháng cuối năm không có những biến động lớn và với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì dự kiến xuất khẩu sẽ vượt kế hoạch năm đề ra.
Nhiều chuyển biến tích cực
Về nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 6,6 tỉ USD, chiếm 20,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2009 chiếm 22%). Nguyên nhân do lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng giảm, như: sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 51,4%, cà phê giảm 11,8%, cao su giảm 6,2%, gạo giảm 4,9%.
Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4 tỉ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm 12,4% (cùng kỳ 2009 là 15,4%). Trừ nhóm hàng quặng và khoáng sản khác có lượng xuất khẩu tăng 54,9%, còn lại lượng XK của các mặt hàng như: dầu thô, than đá và tái xuất xăng đều giảm tương ứng là 46,3%, 22% và 15,8%. Do vậy, mặc dù giá xuất khẩu tăng khá nhưng vẫn không bù đắp được.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 21,47 tỉ USD, chiếm 66,8%, tăng 23,7%. Hầu hết các mặt hàng của nhóm đều tăng trưởng khá, thể hiện sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng tích cực.
![]() |
Về giá xuất khẩu: Do sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, nên giá hàng hoá có xu hướng tăng dần qua các tháng, làm cho mức giá bình quân của 6 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ.
Nhóm hàng nông lâm, thuỷ sản do giá xuất khẩu tăng đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu lên 473,4 triệu USD; nhóm hàng khoáng sản, mặc dù lượng giảm mạnh, nhưng do giá xuất khẩu tăng đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu lên 1,15 tỉ USD.
Tính chung 2 nhóm hàng, giá xuất khẩu tăng đã đóng góp tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,63 tỉ USD.
Về thị trường xuất khẩu: Trừ thị trường châu Âu có mức tăng trưởng âm chỉ bằng 89,7% so với cùng kỳ (do tái xuất vàng sang Thuỵ Sĩ giảm), các thị trường khác dự kiến đều tăng cao: châu Á tăng 33,8%, châu Đại dương tăng 33,9%, châu Mỹ tăng 21,2%; châu Phi tăng 6,2%
Những khuyến nghị
Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (bộ Công thương) đã phân tích và đưa ra nhiều dự báo, khuyến nghị đáng lưu ý.
Mặt hàng cà phê đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, do đang là thời kỳ giáp vụ nên lượng cà phê dự trữ không còn nhiều, nên dự báo khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong các tháng tới sẽ giảm.
![]() |
![]() |
Quý 2/2010, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 44 nghìn tấn, đây là quý có lượng xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay. Giá xuất khẩu hạt tiêu trong quý 2/2010 cũng tăng khá mạnh.
Tuy nhiên giá cả diễn biến phức tạp, có thể xảy ra hiện tượng “đè giá” làm mồi cho giá xuống. Theo trung tâm, bà con nông dân và doanh nghiệp không hoang mang, nên hạn chế bán ra khi giá thấp; phối hợp, liên kết nhau điều tiết lượng bán ra phù hợp theo nhu cầu, giá cả thị trường.
![]() |
Doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh vào chế biến tiêu để gia tăng giá trị xuất khẩu và làm chủ về giá trên thị trường thế giới. Mỹ, thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, có xu hướng tăng nhập khẩu hạt tiêu chế biến.
Với mặt hàng cao su, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam xuất khẩu, chiếm trên 60%. Qua chính sách mới của Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh đầu tư, nâng chất lượng cao su để chuyển sang xuất chính ngạch, không chỉ sang Trung Quốc mà mở rộng ra các thị trường khác.
Để đạt kế hoạch xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh khâu nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Trung Quốc và mở rộng sang các thị trường khác. Từ đầu năm 2010, nhằm khuyến khích nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên 23 - 38% so năm 2009.
![]() |
Về thuỷ sản, hiện nay thị phần tôm của Việt Nam tại khu vực EU vẫn ở mức khiêm tốn, trong khi nguồn cung tôm của các nhà cung cấp chính không được dồi dào. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm tới EU và mở rộng thêm thị phần của mình tại thị trường này.
Xu hướng nhập khẩu thuỷ sản vào Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2010 có sự chuyển dịch từ sản phẩm thuỷ sản tươi sống, ướp lạnh sang các dạng đông lạnh, khô và đóng hộp có mức giá phù hợp hơn với thu nhập của người Nhật Bản hiện nay, là điều các doanh nghiệp cần lưu ý.
Xu hướng nhập khẩu tôm vào Mỹ cũng đang có sự dịch chuyển từ tôm cỡ nhỏ sang tôm cỡ trung bình. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam cần lưu ý hơn tới nhóm sản phẩm tôm tẩm bột trong thời gian tới, bởi nhu cầu đang tăng cao.
Mặt hàng đồ gỗ, đáng lưu ý là nhu cầu của các thị trường như: Mỹ; EU; Nhật Bản đều tăng do kinh tế phục hồi, nhu cầu sử dụng đồ nội thất cũng tăng theo, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp. Đây là những mặt hàng bị hoãn chi tiêu trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thì sang năm 2010, nhu cầu về các mặt hàng này liên tục tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu đồ nội thât cao cấp chủ yếu là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này của các doanh nghiệp trong nước là rất thấp. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, công nghệ xử lý gỗ còn thấp, trong khi các mặt hàng đồ nội thất cao cấp cần có công nghệ xử lý gỗ cao để hạn chế sự cong, vênh, mốc... khi sử dụng ở môi trường có khí hậu khắc nghiệt. Bên cạnh đó, những yêu cầu về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm... là rất cao, mà phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đáp ứng được.
![]() |
Do đó, để thâm nhập vào phân khúc này, các doanh nghiệp trong nước cần tập trung đầu tư trang thiết bị, máy móc và công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ xử lý gỗ. Các doanh nghiệp cũng cần liên kết lại với nhau để có thể thực hiện được những hợp đồng có khối lượng lớn.
(Theo SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com