Năm tháng đầu năm 2010, xuất khẩu thuỷ sản mang về khoảng 1,63 tỉ USD, đạt khoảng 35% so với kế hoạch 4,5 tỉ USD của năm. Dù giá trị xuất khẩu năm tháng tăng 18% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp thừa nhận phần lớn trong số đó là luỹ kế đơn hàng năm 2009 chuyển qua.
Ông Trần Thiện Lĩnh, giám đốc công ty thuỷ sản Thuận Phước cho biết, chi phí vốn, cước vận tải biển, giá điện, nước, xăng dầu, lương công nhân… tăng mạnh đã lấy hết phần lợi nhuận của doanh nghiệp.
Còn lãi... “xương, vây”
Nếu như năm 2009, Thuận Phước chỉ phải vay mức lãi suất trung bình 0,53%/tháng (được hỗ trợ 4% lãi suất ngắn hạn) thì năm nay, có những thời điểm trong tháng 2, tháng 3, lãi suất vay lên đến 1,6 – 1,7%/tháng.
Còn ông Nguyễn Thanh Đạm, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Bạc Liêu tính toán, những khoản chi phí tăng thêm kể trên ít nhất cũng làm đội giá thành sản phẩm lên 6 – 8%. Doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm lên theo chi phí đầu vào, vì như vậy sẽ khó lòng cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. “Gần nửa năm nay Bạc Liêu sản xuất chỉ đủ duy trì công ăn việc làm công nhân chứ chưa có lời”, ông Đạm nói.
Nhóm nguyên liệu đóng góp phần lớn kim ngạch xuất khẩu như cá tra, tôm sú lại khan hiếm, giá tăng. Ông Lê Văn Quang, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần thuỷ hải sản Minh Phú cho biết, giá tôm nguyên liệu tăng 30% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang cũng cho hay giá cá tra nguyên liệu tăng trên 11% khiến sản phẩm khó cạnh tranh.
Đầu ra, theo ông Nguyễn Văn Ký, hồi tháng 1, khách hàng châu Âu trả giá cá tra 2,6 – 2,7 USD/kg nhưng nay chỉ còn 2,4 USD. “Tính đúng, tính đủ giá thành đầu vào thì doanh nghiệp chỉ còn lời được phần xương, vây, da cá – những phụ phẩm làm thức ăn gia súc”, ông Ký chua chát.
Cơ cấu lại giá thành, thị trường
Biện pháp cắt giảm tối đa chi phí, theo doanh nghiệp là cách duy nhất trong giai đoạn hiện nay. “Trước đây, Agrifish có nhiều nhà máy hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn duy trì, nay chúng tôi sắp xếp, cơ cấu lại để cắt giảm chi phí quản lý, điện, nước. Ca sản xuất cũng được bố trí tránh dùng điện giờ cao điểm. Những khoản tiếp khách, cũng giảm”, ông Ký nêu lên giải pháp. Ông Ký còn cho hay đã ngưng sản xuất 20 trong số 50 sản phẩm thuỷ sản đông lạnh bán nội địa không đạt hiệu quả.
Còn các chuyên gia công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) đề xuất doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, thâm nhập các thị trường mới còn triển vọng ở Trung Đông, Nam Mỹ hoặc nơi kinh tế đang tăng trưởng nhanh như Trung Quốc... Ngay trong thị trường EU cũng cần có sự chuyển hướng sang khai thác các thị trường đang nổi lên ưa thích các sản phẩm cá tra của Việt Nam như Thuỵ Điển, Luxembourg, Bungary, Slovenia, Rumani, Estonia, Áo, Hungary, Slovakia, Anh...
Còn hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, các địa phương cần tháo gỡ những khó khăn trong việc cấp giấy phép chứng nhận thuỷ sản khai thác theo quy định IUU của EU. Bên cạnh đó, hiện tượng bơm tạp chất vào tôm, gian dối trọng lượng cá tra philê nếu không được cải thiện thì khi doanh nghiệp tìm kiếm thị thường mới sẽ rất khó khăn.
(Theo Hoàng Bảy // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com