Sau khi sinh, phụ nữ nào cũng lo lắng khi phải quay trở lại công việc. Một số mẹo sau giúp chị em vượt qua được những nỗi lo này.
Chuẩn bị cho công việc:Hãy nhớ rằng trong cuộc đời bao giờ bạn cũng phải trải qua thời gian này. Trước khi trở lại làm việc, bạn hãy thiết lập một nhóm trợ giúp, bao gồm chồng, người giữ trẻ… Vấn đề này bạn có thể nói chuyện với chồng, với bố mẹ hoặc với những người đã có kinh nghiệm.
Bạn hãy trao đổi những vấn đề liên quan với chồng, sếp và với người trông trẻ. Ví dụ, với sếp bạn có thể “thương lượng” xem bạn có thể đến công ty lúc 9h30 thay vì 9h không? Hoặc bạn cần chồng thay phiên cho em bé ăn buổi nửa đêm… Những cuộc trao đổi giúp bạn thêm linh hoạt về thời gian làm việc và trông con.
Nhưng bạn cũng cần biết rằng một vài tuần đầu, bạn sẽ bị “chóng mặt” vì phải đảm đương cả việc nhà và việc công ty. Vì vậy chuẩn bị tinh thần trước là một điều rất có ích.
Làm thế nào dành thời gian nhiều nhất cho con?
Bạn hãy trò chuyện nhiều hơn với bé về những gì bạn đã làm. Có thể bé không hiểu hết những gì bạn nói, nhưng qua những câu chuyện bạn và con mình sẽ thiết lập được mối quan hệ bền chặt hơn. Ví dụ, bạn có thể chia sẻ “Mẹ cố gắng làm thật chăm chỉ để lo cho con một cuộc sống tốt hơn” hoặc “Hôm nay mẹ có một cuộc họp quan trọng, mẹ có nhiều việc phải làm lắm nhưng lúc nào mẹ cũng nghĩ và nhớ đến con đấy!”…
Tâm trạng thế nào?
Công việc xã hội và việc nhà sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi. Vậy nên điều quan trọng nhất là bạn phải biết cân bằng và biết kiểm soát tốt tâm trạng. Bạn hãy tự trả lời, tại sao bạn phải đi làm? Mục đích đi làm vì điều gì? Và khi có câu trả lời, bạn sẽ thấy thoải mái chấp nhận hơn vì đa số phụ nữ cần đi làm vì gia đình của mình.
Bạn không nên so sánh mình với người này người kia, vì đôi khi điều đó càng làm bạn thêm mệt mỏi. Mỗi hoàn cảnh mỗi khác và bạn cần thích nghi với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bạn có thể học hỏi thêm từ người khác những cách làm, những mẹo hay để làm việc và chăm sóc con.
Sau đây là một số mẹo để các mẹ dung hoà việc nhà và “việc nước” sau khi sinh:
1. Luôn kết nối với đồng nghiệp trong thời gian nghỉ sinh
Để không bị quá ngỡ ngàng khi đi làm sau khi sinh thì thời gian nghỉ sinh bạn phải thường xuyên liên lạc với các đồng nghiệp, hỏi thăm xem công việc thế nào. Hành động này vừa thể hiện bạn quan tâm đến các bạn đồng nghiệp vừa để bạn không quên công việc của mình và nắm được những việc cơ bản mình sẽ làm sau này.
2. Chọn cách chăm sóc con cái
Khi nói chuyện, trao đổi với người trông trẻ, bạn hãy cho bé và người đó gặp nhau. Bạn thử quan sát xem mối quan hệ của hai người thế nào? Bé có thích người đó không? Hoặc người đó có biết cách chăm trẻ con hay không? Tiếp sau đó, bạn hãy đưa ra thời gian biểu, cách thức ăn uống, sinh hoạt hoặc một số lưu ý khác trong công việc hàng ngày với bé.
3. Chia sẻ trách nhiệm với chồng
Bạn và chồng nên cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con khi bạn đi làm. Ví dụ, sau giờ làm, thời gian chăm sóc con, cho con ăn hoặc nấu nướng… tất cả những việc này hai bạn nên phân công nhau làm không chỉ để bớt việc cho bạn mà còn làm cho đức ông chồng của bạn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình hoặc anh ta sẽ biết được một số những điều thú vị của công việc gia đình.
4. Cách ăn mặc
Khi đi làm, bạn không thể trưng luôn những bộ quần áo chăm sóc con ở nhà được. Bạn phải mặc theo phong cách của chỗ làm. Vì vậy, trước khi đi làm, bạn hãy chọn những bộ quần áo phù hợp với công việc, đừng để vẻ luộm thuộm của bạn làm bạn bị mất điểm nơi công sở.
5. Giữ liên lạc với gia đình khi đi làm
Trong những tuần đầu khi đi làm, giờ nghỉ bạn có thể gọi điện về nhà hỏi thăm bé yêu hoặc nếu có thời gian nghỉ trưa bạn có thể xin phép về nhà với bé, cho bé bú sữa và tranh thủ trò chuyện với bé. Lúc đầu bạn sẽ cảm thấy hơi khó khăn vì phải đi lại nhiều, nhưng dần dần bạn sẽ thấy quen và cảm thấy đỡ mệt hơn.
6. “Đàm phán” với sếp
Thời gian đầu đi làm sau khi sinh con, bạn sẽ phải chạy đi chạy lại về nhà, chính vì vậy, bạn nên nói trước với sếp của mình để anh ấy/ chị ấy thông cảm với bạn và cũng để người ta sắp xếp cho bạn những công việc phù hợp.
(Theo Hoài Hương/afamily/gd24h)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |