Tây Nguyên vốn nổi tiếng với gà rừng, cơm lam, cà đắng... nhưng Tây Nguyên còn có một món ăn thuộc hàng “hiếm” mà những người sành ẩm thực có dịp dùng qua rất thích, đó là lẩu lá rừng.
Lẩu lá rừng tuy có trong thực đơn của các nhà hàng Tây Nguyên nhưng thưởng thức đúng “gu” hơn cả là ăn trong chuyến đi rừng và được chế biến bởi các “đầu bếp” người dân tộc Ê đê.
|
Rau báng và rau ngót rừng đóng gói. Ảnh: vatgia.com |
Lẩu sử dụng hàng chục loại lá rừng để nấu như rau sắng, lá vang, đọt choại, lá chiếc, lá mặt trăng, lá chùm mòi, rau báng, rau sau... Lẩu lá rừng được nấu như... nấu canh: Người ta dùng tôm khô hoặc thịt bằm nấu lấy nước ngọt. Khi nước sôi, thả rau vào rồi múc ra tô như nấu canh. Cầu kỳ hơn một chút, người ta để nước sôi trên bếp, dùng đũa nhúng rau, ăn đến đâu nhúng đến đấy. Hầu hết các loại rau rừng này có vị cay và chát, ăn rất lạ miệng. Ăn lẩu lá rừng cùng với thịt heo rừng hấp gừng, cơm lam, gà nướng... dường như hương vị hoang sơ của núi rừng thấm vào cảm nhận của bạn thông qua vị giác.
Tây Nguyên còn có một món ăn độc đáo khác là canh chua tổ kiến. Những người địa phương nói rằng: vào đầu mùa xuân là lúc tổ kiến ngon nhất, trứng còn non, mọng sữa căng tròn. Người ta dùng một cây sào dài, đầu cây vót nhọn một đoạn, cột thêm cái rổ to, dùng đầu nhọn của cây chọc từ dưới thẳng lên, xé bung tổ kiến ra và vỗ liên tục vào thân cây. Trứng trong tổ sẽ rơi xuống cái rổ bên dưới. Kiến lính, kiến thợ túa ra để bảo vệ trứng, lớp rớt theo trứng, lớp chạy tứ tán. Người ta mang các tổ kiến phơi nắng để đuổi kiến. Những người quen món ăn này có thể nhón ngay những quả trứng kiến màu trắng đục bỏ vào miệng ăn sống để thưởng thức vị béo, thơm và tươi ngon. Người sành ăn thì dùng cả tổ kiến vàng thả vào nồi canh cá suối đang sôi, chỉ lát sau, nước trong nồi canh sẽ có một vị chua vừa đậm đà vừa beo béo làm bật lên vị ngọt của thịt cá suối tươi.
Ăn cơm “rừng” xong, bạn có thể tráng miệng bằng chuối Laba. Đây là loại chuối trồng tại vùng Laba thuộc xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Chuối dẻo, có độ ngọt vừa phải lại thoảng mùi thơm rất nhẹ làm nên “thương hiệu” nổi tiếng.
(Theo Hạ Lan // Cantho Online)