Ngày 30 tết, trên mâm cơm cúng ông bà của người Triều Châu luôn có món vịt hầm chanh muối. Đây là một trong những món ăn truyền thống của người Triều Châu nhưng hiện nay món này gần như đang dần…quên theo thời gian.
Bà Trương Muội, 58 tuổi, ở quận 11 kể: “Đến ngày 30 tết là má tui nấu món này. Tui bao nhiêu tuổi thì ăn món này bấy nhiêu lần. Nhưng thiệt lạ, tụi nhỏ bây giờ ít đứa biết món này”.
Theo lý giải của bà Muội, món này hầm nguyên con vịt mới ngon nên phải đợi đến dịp lễ tết, gia đình tề tựu đông người ăn mới hết. Món ăn khá dễ nấu, cho khoảng ba trái chanh muối còn nguyên vẹn dồn vào trong bụng vịt, bắc lên bếp, nêm gia vị vừa ăn, hầm đến khi thịt vịt thật mềm. Lúc này, hương vị của chanh muối cùng các gia vị đã thấm vào trong thịt vịt, lan ra nước dùng, hương thơm toả thoang thoảng.
Món này vẫn chưa hoàn hảo nếu không cho một ít nước chanh muối vào nồi trước khi tắt bếp. Nước chanh muối giúp cho nước lèo có vị đậm đà, thơm đặc trưng.
Thịt vịt có nhiều mỡ nhưng khi kết hợp với chanh muối lại không tạo cảm giác mỡ màng cho món ăn. Hơn nữa, chanh muối giúp khử mùi hôi của vịt. Món ăn có hương dễ chịu, vị thơm ngọt của thịt vịt và vị thanh, chua nhẹ của chanh muối. Tuy nhiên, món vịt hầm chanh muối đôi khi bị đắng do tuỳ thuộc vào chất lượng của trái chanh muối. Có thể do chanh ngâm chưa tới hoặc sử dụng chanh còn non, có vỏ dày để ngâm muối. Bí quyết khắc phục là dùng tắc muối để thay thế. Tắc muối giúp món ăn có vị thanh, hương thơm hơn khi dùng chanh muối.
Cũng như bao món canh khác của người Hoa, thưởng thức phần nước hầm – tinh hoa của món canh là chủ yếu. Ngày tết, húp chén nước canh, vị đậm đà pha lẫn vị thanh của chanh muối giúp dễ tiêu hoá, chống đầy hơi. Món này ăn với cơm, thịt vịt có thể chấm thêm nước tương. Biến tấu theo kiểu người Việt, chấm thịt vịt với muối tiêu chanh càng hợp hơn.
“Tết bây giờ nhiều món ăn hiện đại, không tốn công, mất thời gian nấu nướng. Mai mốt lớp già này không còn, chắc món này cũng mất luôn”, bà Muội thở dài.
(Theo bài và ảnh: Minh Cúc/sgtt)