Một trong những món ăn tham dự hội thi các món ăn dân tộc đang tổ tại Hà Nội |
Sự độc đáo của các món ăn mang đậm bản sắc, đặc trưng cho mỗi vùng miền trên đất nước cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách trong và ngoài nước...
Phong phú món ăn Việt
Người dân Việt Nam đã không còn xa lạ với hình ảnh những người nước ngoài ngồi vỉa hè cầm đũa chỉ để thưởng thức một bát phở sáng hay bát bún ốc nóng khói nơi góc phố quen thuộc.
Đến Hà Nội không du khách nào có thể quên hương vị của phở, bún riêu cua, bún ốc, bún thang, xôi gà, chả cá Lã Vọng, bánh tôm hồ Tây, bánh cốm, các món nem cuốn. Ẩm thực miền Trung hấp dẫn du khách bởi các món bánh, món chè xứ Huế, mỳ Quảng, cao lầu…; còn vùng đất Nam Bộ lại đặc trưng bởi các món lẩu, nướng từ thủy, hải sản với các loại cây trái sẵn có.
Không chỉ những món quen thuộc, tại hội thi chế biến các món ăn đân tộc tổ chức mới đây, gần 20 tỉnh thành đã giới thiệu 200 món ăn đặc trưng của các vùng miền. Hầu hết, các món đều nhiều rau xanh, trong trang trí và kết hợp gia vị hài hòa và có nước chấm riêng rất đặc trưng. Nhiều nguyên liệu, gia vị món ăn tại đây là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.
Một số nhà nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và nước ngoài đã nhận xét, các món ăn Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách bởi nguyên liệu chủ yếu là các loại rau, củ,quả, hạt, thủy, hải sản, không quá nhiều thịt như món Âu, ít dầu mỡ hơn các món Trung Quốc, ít cay hơn đồ ăn Thái Lan. Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam đã đánh giá “Việt Nam là thiên đường ẩm thực” với những món ăn đặc sắc, khó quên tại mỗi điểm đến. Điều đó đã thu hút ngày càng nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới tìm đến Việt Nam. Bếp trưởng khách sạn Metropole Hà Nội, ông Didier Corlou người Pháp - người rất thích món phở Việt Nam và việc dùng nước mắm để chế biến các món ăn, đã cho rằng phở là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.
Một vài năm trước đây, Phở 24 đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Singapore theo hình thức franchise (nhượng quyền thương hiệu) sau khi nhượng quyền thương hiệu thành công tại nhiều nước trên thế giới như Indonesia, Philippin, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ....
Trước Phở 24, cà phê Trung Nguyên là thương hiệu Việt Nam đầu tiên áp dụng việc nhương quyền kinh doanh ở quy mô lớn. Hiện nay, Trung Nguyên cũng đang thành công trong việc chuyển nhượng thương hiệu ra nước ngoài.
Giới thiệu ẩm thực Việt
Nhiều thực khách thưởng thức món Lẩu và gỏi cá hồi SaPa - một trong những món ăn dự thi của Sở văn hóa thể thao du lịch Lào Cai |
Trên thế giới, nói tới Nhật Bản, người ta sẽ liên tưởng ngay đến shusi; nói đến Hàn Quốc, thực khách thế giới không thể bỏ qua món kim chi; còn ngồi ăn súp củ cải đỏ, cá muối, trứng cá ở bất cứ đâu cũng khiến người ta liên tưởng tới nước Nga... Và rất nhiều người dù chưa bao giờ đặt chân tới Italia nhưng thông qua các chuỗi nhà hàng chuyên phục vụ pizza, spaghetti, pasta… đã phần nào cảm nhận được nền văn hóa yêu chuộng sự tinh tế, tính thẩm mỹ... của đất nước này.
Thuận lợi lớn của Việt Nam trong việc giới thiệu ẩm thực Việt là các món ăn ngon, giàu chất bổ dưỡng, phong phú về số lượng nên có thể cử ra nhiều đại diện khác nhau để thông qua ẩm thực mà giới thiệu hình ảnh đất nước. Dù nhiều thế mạnh như vậy nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa tổ chức được sự kiện ẩm thực mang tính quy mô để thu hút du khách, qua đó quảng bá ẩm thực, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Tour ẩm thực riêng cho du khách gần như chưa được khai thác mặc dù một vài thành phố như TPHCM được đánh giá là điểm thuận lợi để xây dựng tour đặc thù này. Việc quảng bá đất nước thông qua ẩm thực hiện vẫn chỉ là những hoạt động đơn độc xuất phát từ doanh nghiệp trong khi tiếp thị hình ảnh quốc gia là một chương trình tổng lực cần có sự định hướng của cơ quan đầu ngành. Trong suốt những năm qua, việc quảng bá, xúc tiến, giới thiệu riêng cho ẩm thực dân tộc ra thị trường quốc tế còn rất yếu và nhiều hạn chế. Giới thiệu về ẩm thực thường nằm lọt trong các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, thực sự chưa nổi bật, chưa tạo ấn tượng với bạn bè quốc tế, bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ khách sạn Tổng cục Du lịch, cho hay. Để có thể xây dựng hệ thống ẩm thực phong phú, hiện Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch xúc tiến, quảng bá riêng về ẩm thực tới các thị trường ASEAN là những nước có văn hóa tương đồng với Việt Nam, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Malaysia; tiếp đó là thị trường Trung Quốc. Với thị trường châu Âu, Tổng cục Du lịch sẽ mở màn tại Pháp và Đức để quảng bá ẩm thực Việt Nam. Ngoài chương trình quảng bá tại thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch cũng đã có chương trình quảng bá, tôn vinh món ăn dân tộc tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và Năm du lịch quốc gia 2010, sau đó còn có chương trình, sự kiện quảng bá tại nhiều địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Lào Cai… Hy vọng trong những năm tới, du khách nước ngoài có nhiều cơ hội hơn để khám phá tinh hoa ẩm thực Việt Nam, còn du khách trong nước mỗi khi ra nước ngoài và người Việt ở bốn phương trời cũng có điều kiện thuận lợi hơn để thưởng thức những món ăn "quốc hồn quốc túy" gắn bó với quê hương xứ sở.
(Theo Thoa Nguyễn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)