Sài Gòn có những con đường, có những góc phố tập trung toàn những quán bán thức ăn theo khẩu vị miền Bắc như khu Hải Triều Q.1, Bắc Hải Q.10, Hồng Hà Q. Tân Bình… Nhưng người sành ăn lại cho rằng: các quán kiểu ấy đã lai vị miền Nam mất rồi.
Nguyên Hằng, cô gái Hà Nội vào Sài Gòn đã năm năm, lấy chồng, sinh cậu con trai kháu khỉnh và có nhà cửa ổn định ở Sài Gòn. Mỗi khi nghe ai đó nói có quán ăn Bắc mới khai trương là nỗi nhớ thời con gái của Hằng lại trỗi dậy. Hằng luôn bảo: phải đi ăn ngay trong vòng tuần đầu tiên, kẻo sau đó món ăn lại pha lẫn khẩu vị Nam mất.
Còn với những người đã sống trên chục năm ở Sài Gòn, thì quà sáng theo kiểu Bắc luôn có ở khắp nơi. Nó lẫn trong các khu dân cư, khuất trong những con hẻm nhỏ, các quán vỉa hè kê bàn ghế nhựa lụp xụp, các xe đẩy rong với tiếng rao lanh lảnh bánh đúc lạc, bánh đúc tương... đây. Một miếng bánh đúc bán trong khu dân cư Bàu Cát to bằng miệng chén chỉ 3.000đ, cỡ đàn ông ăn khoẻ, thì cũng chỉ tối đa ba miếng, phụ nữ có thèm lắm, ăn hai miếng là đã thoả lòng.
Ai cũng bảo phở Hà Nội mới là ngon nhất. Sài Gòn chắc cũng có đến hơn 500 quán phở với đủ tên gọi phở gia truyền Hà Nội, phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn, phở sốt vang… Nhưng tìm được chỗ để ăn món bún thang, bún mọc lại khá ít. Lâu nay tiệm bún mọc Thanh Hà góc Trương Định – Nguyễn An Ninh, Q.1 được coi là ngon do có nhiều loại chả. Còn với người tinh tế, bún mọc ở bên trong tiệm nước mía, chỗ ngã tư Bảy Hiền mới thật là ngon. Từng miếng mọc được trộn vị tiêu, vị hành, mộc nhĩ ăn vừa dai, vừa giòn mà không lẫn vị đường. Còn cái món bún thang ở quán Chiều Sài Gòn trên đường Phạm Văn Hai có nước dùng đậm đà nhờ quán chuyên bán gà luộc lá chanh, nhưng người Sài Gòn lại thích kéo vào quán Xinh đường Tú Xương hơn. Bởi bún thang, bún mọc ở Xinh đựng trong tô kiểu có đĩa lót trắng tinh, rau xanh tươi rói.
Nhắc đến món canh bún, trong hẻm ăn thông giữa đường Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 có hẳn khu phố với cả chục quán bún riêu và canh bún. Cũng là bún, là riêu cua, là đậu hũ, là rau muống… Ngon hơn một chút phải kể đến quán bánh đa cua – canh bún đường Hát Giang (trong khu sân bay). Khách ăn thường khen bánh đa cua hoặc canh bún ngon nhờ nước riêu cua và rau nhút trộn với rau muống luộc chín giòn.
Cất công đi tìm bánh cuốn kiểu Bắc giữa Sài Gòn mãi mà nhiều người vẫn chưa thấy, bởi vị nước chấm của hầu hết các nơi đã chuyển sang gu ngòn ngọt của miền Nam mất rồi. Dù vậy, chen giữa các bánh cuốn có hiệu như Hải Nam, Thiên Hương, Tây Hồ… vẫn có bánh cuốn kiểu Bắc với nước chấm pha đúng cách (nhưng phải dặn, chủ mới bưng ra) trên đường Trường Sơn, Q. Tân Bình, hay bánh cuốn Lạng Sơn ở quán Xinh. Kiếu bánh cuốn nhà quê, dùng bánh với đậu hũ, dưa leo và giá chần vẫn còn trong các ngôi chợ nhỏ khu vực Tân Bình, Bình Thạnh hay Hóc Môn.
(Theo Bích Thủy // SGTT Nguyệt San)