Từ người lao động, giới bình dân, cho đến những người sáng chiều cao lương mỹ vị, khi cần một chút gì đó ăn cho nhẹ bụng, ấm lòng đều sẽ nghĩ đến tô cháo trắng đơn sơ thoảng mùi thơm lá dứa…
Những bậc cao niên người Hoa nay đã sang tuổi thất thập kể lại rằng, cháo trắng là món ăn của người Tiều, khi di cư đến Chợ Lớn vùng Sài Gòn – Gia Định xưa, họ mang theo thói quen ăn cháo từ cố quốc. Với nguồn gốc là nông dân nghèo, làm ruộng, người Hoa gốc Tiều quen với lối sống kham khổ. Trong ăn uống, món cháo trắng như một điển hình ẩm thực người Tiều, vừa mộc mạc, thanh đạm, dễ nấu, dễ ăn trong bất kỳ mùa nào trong năm hay thời khắc nào trong ngày.
Cháo trắng đến Việt Nam, xuất hiện trong khắp hang cùng ngõ hẻm chủ yếu dành phục vụ cho tầng lớp lao động nghèo. Từ những năm 1930, món cháo trắng đã trở nên phổ biến, và đến những năm 1960, sự phát triển của cháo trắng khi ấy lại gắn với những nghệ sĩ, đào kép của bộ môn đờn ca cổ.
Xưa khu Ngã tư quốc tế, nay là ngã tư Bùi Viện – Đề Thám, tập trung rất nhiều các hàng cháo trắng, phục vụ nhộn nhịp từ sẩm tối đến tận giữa khuya. Nguyên căn đây là nơi gần rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo – cùng tên với ông chủ cũng là một đại gia của đất Sài Gòn – Gia Định, chuyên kinh doanh mặt hàng phụ tùng xe hơi, khách sạn… mỗi khi đào kép, vũ nữ, quân, thị tì… diễn tuồng xong thường tụ lại hàng cháo vỉa hè ăn uống rồi mới về nhà.
Người Sài Gòn vẫn nhớ câu nói quen thuộc ngày ấy của giới đào kép: “Vãn hát đi ăn cháo trắng”. Một câu nói đơn giản mang hai nghĩa, giới hát tuồng hay tập trung ở Ngã tư quốc tế ăn cháo. Ẩn ý trong câu nói ấy còn gắn với sự nghèo của những người theo nghề tuồng hát. Bầu sô, kép chính trong đoàn hát thường được xem là người có tiền, họ ăn uống, đi lại những nơi chốn của người nổi tiếng. Còn anh em phục vụ cho gánh hát từ đám nhân viên đèn, màn, thợ may… tiền không đủ ăn, gặp những ngày gánh hát ế độ đói trơ mỏ. Chính vậy hay phải đi ăn chực, ăn ké, bám theo mấy ông thầy soạn giả, nịnh hót vài câu cho mấy thầy khoái để được ngồi ăn cùng, nên được gọi chung lại là đám kên kên. Hễ thấy đâu có ăn bu đến, ăn cho nhanh lẹ, rồi chuồn để khỏi phải trả tiền. Gánh hát nào diễn tuồng có khán giả coi đông, đám kên kên có đồng ra đồng vào mới dám mơ tưởng đến chuyện nhâm nhi bia bọt, ế khách – đi ăn cháo trắng.
Các quán cháo trắng ở Ngã tư quốc tế tập hợp đầy đủ mặt những tên tuổi cải lương nổi tiếng một thời như Thành Được, Út Bạch Lan… đều từng là thực khách của món cháo trắng. Ngã tư quốc tế như một trạm thông tin cho giới cải lương. Chiều tối mấy ông soạn giả ra ngồi chờ bữa nay đoàn có hát tuồng của mình soạn không để kiếm bầu sô lấy tiền, là nơi tính chuyện làm ăn, đòi nợ từ tiền bạc, quần áo, tư trang, hay tìm cho đủ tay để lập sòng đánh bạc. Giới cải lương ngày đó hễ không đi lưu diễn ở tỉnh xa là bám lấy khu vực này mỗi khi chiều xuống.
Ăn cháo trắng, cũng như xuất xứ của món ăn này, đều là những người lao động bình dân, thu nhập thấp. Mỗi xóm nhỏ ở vùng Sài Gòn gần như chỗ nào cũng có một vài tiệm bán cháo trắng. Nồi cháo được nấu sôi, bọc vải, lót giấy để giữ nhiệt bán được suốt ngày. Ở hẻm 196 Đề Thám có gánh cháo trắng nổi tiếng của cô Bảy Thọ bán suốt từ những năm 1940, sau truyền lại cho người em họ là cô Tư Tùng. Câu chuyện gánh cháo cô Tư Tùng cũng lại lan man sang giới cải lương, bởi cô Tư Tùng vốn là con gái của ông Chín Sanh (Nguyễn Văn Sanh), chuyên tụ họp giới cải lương, đào kép đi dâng hương ở các chùa miền lục tỉnh, vì vậy rất thân thiết với giới cải lương.
Kể lại chuyện cô Tư Tùng, từ nhỏ được ông Chín Sanh cho theo thọ giáo nghề đờn tranh của Ba Dư. Thời đó Sài Gòn nổi tiếng với ba kỳ lão trong đờn ca cổ gồm Chín Trích – đờn cò, Sáu Tửng – đờn kìm, và Ba Dư – đờn tranh. Gánh cháo bán ở hẻm của cô Tư Tùng vừa phục vụ người lao động nghèo trong xóm, kiêm luôn cho giới đờn ca tài tử, mỗi khi có gặp gỡ những người trong nghề, nồi cháo được dọn sạch và anh em gởi lại cho cô Tư Tùng ít tiền gọi là trả công nồi cháo. Cứ thế mà gánh cháo từ thời cô Bảy Thọ kéo dài liên tục, cô Tư Tùng tiếp nối cho mãi đến năm rồi, cô bán nhà về Cần Thơ sống với người cháu, gánh cháo trắng mới giải nghệ.
Món cháo trắng mộc mạc, giản dị, với nồi cháo lỏng lỏng thoang thoảng mùi lá dứa, món ăn kèm có hột vịt muối là chủ đạo, kế đến là dưa mắm, cải muối, cá bống kho tiêu, một món ăn sáng hoặc ăn khuya luôn luôn mang giá trị rẻ nhất của muôn mặt ẩm thực Sài Gòn.
( Theo Lam Phong - Tường Huy // SGTT Online)