Không gian giải trí tại nhà lại phụ thuộc nhiều vào kinh phí, diện tích chừa chỗ và nhất là quan niệm, sở thích nghe nhìn của gia chủ, từ đó quyết định đến cách thức đầu tư, bố trí nơi giải trí trong nhà.
Những trang trí, vật dụng trong phòng thư giãn thiên về chất hoài niệm và thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ |
Với các gia chủ mê thiết bị âm thanh, hay dân chơi hi-end, thì họ luôn luôn thể hiện các tính cách muôn hình vạn trạng qua việc chọn lựa dàn âm thanh và cách thưởng thức của mình. Có thể chia giới thưởng thức âm thanh ra thành hai nhóm: lý tính và cảm tính. Nhóm lý tính thì việc thưởng thức đi liền với hiểu biết kỹ thuật, quan tâm công suất và trở kháng, trăn trở về thiết bị và độ hoàn thiện từ máy móc đến không gian. Nhóm cảm tính thì nghệ sĩ hơn, tinh tế theo cảm nhận là chính, chuộng về yếu tố cảm thụ nghệ thuật với nhiều tính từ miêu tả như sắc, nhẹ, dày mỏng, vênh, cứng... khi bình luận về âm thanh, hình ảnh. Nhưng nhóm thứ ba lại chiếm khá đông đảo trong các gia chủ xây nhà, đó là nhóm nghe nhìn... sao cũng được, miễn có âm nhạc, phim ảnh cho vui nhà vui cửa, có chỗ cho bạn bè tụ họp, có nơi để cuối ngày hay cuối tuần được thư giãn.
Với nhóm thứ nhất thì kiến trúc sư thường phải cùng “nghề chơi” này mới cảm được, không thì đa số là... cho một cái phòng dài nhân rộng nhân cao, xong rồi gia chủ hoặc các hãng chuyên biệt cùng nhau “sét úp” chi tiết. Phòng nghe nhìn của họ nhờ vậy thường khá tốn kém, kén chọn vật liệu cũng như kén chọn băng đĩa thiết bị, thậm chí một số phòng nghe đạt chuẩn như một showroom hoặc phòng thí nghiệm âm thanh – ánh sáng. Với nhóm gia chủ thứ hai (nghe gì chứ không chỉ là nghe bằng cái gì) thì kiến trúc sư có vẻ... dễ thở hơn, thiết kế những không gian giải trí vì thế cũng thoải mái hơn, thiên về chất nghệ sĩ hơn là thuần chất kỹ thuật cao. Còn ở nhóm khách hàng thứ ba thì kiến trúc sư thường là người quyết định luôn phong cách nội thất, trang trí, chọn vật liệu... và đa số các phòng giải trí dạng này thiên về xu hướng phòng sinh hoạt gia đình, “cả nhà thương nhau” nhiều hơn.
Theo KTS Hoàng Dưỡng thì các cấp độ thiết kế – thi công không gian giải trí cũng thay đổi tương ứng theo chi phí đầu tư của gia chủ về không gian này, và thường tỷ lệ nghịch với sự tham gia của nhà chuyên môn. Tức là phòng giải trí càng bình dân thoải mái thì kiến trúc sư càng có thể bay bổng trong thiết kế nhiều hơn là những phòng nghe nhạc – xem phim thật chuyên biệt, nơi mà yếu tố trang âm và các trang thiết bị đắt tiền trở thành nhân vật chính.
Dàn thiết bị nghe nhìn và trang âm theo chuẩn riêng. |
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa quyết định khả năng sáng tạo trong không gian giải trí, đó là cá tính của gia chủ. Như anh Đào Thanh T., một tay chơi hi-end không câu nệ thương hiệu hay đồ khủng, thì không gian phòng nghe nhìn của anh phải có những vật dụng thể hiện phong cách âm nhạc mà anh thích. Anh hay đặt những cây violon, saxophone bên cạnh dàn loa nghe nhạc “để cảm nhận được hình hài của bản thân nhạc cụ chứ không chỉ là âm thanh của nhạc cụ ấy...” Còn KTS Hoàng Hoài S. thì lại là người thích trao đổi các đồ chơi âm thanh như loa, ampli với bạn bè, nên phòng nghe nhìn nhà anh kiêm luôn xưởng... kiểm tra thiết bị. Mỗi khi có món đồ gì mới về thì anh lại cùng bạn bè hì hục cân chỉnh sao cho vừa ý nhất.
KTS Huỳnh Hiền cho rằng, thiết kế một phòng karaoke bình dân tại nhà vừa vui mà cũng vừa... run, vì một số gia chủ có thói quen bắt... cả xóm nghe hát bất đắc dĩ, ít quan tâm đến việc cách âm, chỉ làm cửa kính bình thường, trải thảm, treo rèm đơn thuần. Đến khi đi vào sử dụng, bị than phiền mới tìm giải pháp thì không hiệu quả và tốn kém thêm. Một số nhà bị than phiền quá thì đành chọn cách: thôi nếu thích hát thì... ra tiệm bên ngoài mà hát, phòng karaoke chủ yếu để xem phim!
Chi phí cho không gian giải trí cũng không cố định, “nặng hay nhẹ” tuỳ theo gia chủ có chịu đầu tư hay không. Ít thì chỉ như một phòng ở trang trí bình thường, sơn nước, lát gỗ... nhiều thì tường ngăn cách âm nhiều lớp, đèn điều khiển thông minh, loa và thiết bị chuyên dụng, có khi lên đến vài trăm triệu (chưa tính tiền thiết bị).
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, và thú chơi nghe nhìn tại nhà cũng vậy. Không lệ thuộc nhiều các ràng buộc về tiện nghi theo kiểu toalét hay bếp núc, phòng giải trí lại đòi hỏi những tiêu chuẩn trang thiết bị và phong cách nội thất mà gia chủ cũng như nhà thiết kế đều biết rằng: dẫu chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh” thì đa số vẫn không tiếc tiền đầu tư cho những gian phòng, góc giải trí gia đình sao cho không chỉ đầy đủ, đẹp đẽ mà còn thật đã, thật độc nữa!
(Bài: Vọng Bình, ảnh: Trường Ân // SGTT Online)