Yêu cái đẹp là điều đáng quý nhưng kết hợp nhiều cái đẹp bên cạnh nhau mà hài hoà quả là không đơn giản. Làn sóng cải tạo nhà cổ đã làm phong phú bộ mặt đô thị và tác động trực tiếp đến cảnh quan kiến trúc.
Tầng áp mái phía trong thoáng và ít đồ mang đến cảm giác dễ chịu, được dành làm phòng cho cô con gái lớn |
Việc cải tạo một căn nhà sao cho vừa ý với chi phí thấp luôn là bài toán khó với mọi chủ nhà. Thực tế cho thấy không phải ai cũng rành về xây dựng hay vật liệu và không phải công ty tư vấn thiết kế nào cũng đáng tin. Cái bắt tay của chủ nhà và kiến trúc sư đôi khi là “cơ duyên” bởi vẻ đẹp của bản vẽ và kết quả cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức thẩm mỹ của gia chủ. Tại Hà Nội, khu vực phố cổ được các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ nhất nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến các công trình nhà phố thuộc diện bảo tồn và việc cải tạo căn hộ trong các khu phố cổ luôn là công việc nhạy cảm và gặp nhiều khó khăn.
Là những cư dân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội sau 1954, ông Lê Văn Chuyển là một trong những gương mặt giàu nhiệt huyết, đã từng là trinh sát đặc nhiệm chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị vào những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Sau hoà bình, có điều kiện trở lại Hà Nội, việc sở hữu một không gian ở ngay trong lòng phố cổ luôn là niềm khao khát của những người Hà Nội cũ như ông. Đó cũng chính là lý do để ông bà lựa chọn mua một buồng tầng 3 tại phố Hàng Giầy. Căn buồng đầu tiên mua cách đây chừng mười năm với diện tích chừng 30m2. Hiện nay ông đã mua thêm được căn liền kề và với sự khéo léo trong cải tạo thêm tầng áp mái phía trên, gia đình đã có được không gian ở hai tầng với 90m2 thoải mái, thuận tiện và hoàn toàn ưng ý. Trong quá trình sửa chữa, gia chủ đã ý thức thiết kế phần bề mặt căn gác nhằm giữ được tinh thần của kiến trúc cũ. Vì căn nhà xây từ đầu thế kỷ với lối kiến trúc thuộc địa nên dùng nhiều gỗ lim. Bám sát tinh thần nguyên bản, chủ nhà kết hợp vật liệu gỗ phổ thông và gạch men giả cổ. Không gian được bố trí khá thuận tiện trong một diện tích nhỏ cho một gia đình bốn người với phòng khách và bếp thông nhau, vách ngăn giả là tủ sách và kệ bày đồ, một giải pháp khá quen thuộc tại các căn nhà nhỏ ở miền Bắc. Điều chưa được của căn nhà là cảm giác hơi nặng nề, tông màu nóng được sử dụng từ sàn, cầu thang đến màu tường, đến khi kết hợp với các hoạ tiết nhắc lại ở cột và phào đã là “đủ”, nên đồ nội thất cổ và giả cổ bày vào đã gây cảm giác “đầy và quá”. Việc chưa tinh tế trong liều lượng hoa văn nội thất là lỗi thường thấy ở một số căn nhà miền Bắc. Yêu cái đẹp là điều đáng quý nhưng kết hợp nhiều cái đẹp bên cạnh nhau mà hài hoà quả là không đơn giản.
Nhìn đồ biết người. Tâm lý chung của những người ngoài ngũ tuần thường lựa chọn những món đồ không chỉ chắc chắn về kết cấu và vật liệu mà còn phải gợi nhớ về nét văn hoá truyền thống. Đã công tác ở nhiều nước và trải nghiệm qua nhiều nền văn hoá, tâm niệm của ông bà là để lại cho các con không phải chỉ tiền bạc mà là giá trị văn hoá mang tính truyền thống, những giá trị đang dễ bị cuốn đi bởi dòng chảy ồn ào phố thị hiện nay.
Địa chỉ: 22 Hàng Giầy, Hà Nội
Diện tích ban đầu: 55m2 diện tích sau cải tạo: 90m2
Chi phí sửa chữa: 300 triệu đồng
Đơn vị thi công: SINGBAC interior & Architecture
Bài và ảnh: zhivago
Dành một khoảng làm vườn trồng lan trên mái, đây là góc thú vị và đẹp nhất mà chủ nhà tâm đắc | Tủ sách được dùng như một vách ngăn động nhưng cũng khó tránh khỏi cảm giác chật chội cho phòng khách |
Tầng áp mái được chia làm hai, hành lang dùng như nơi trang trí, trưng bày những tác phẩm ưa thích. Chi tiết nề và sắt làm khá kỹ, tuy vậy việc dùng nhiều màu sơn và tỷ lệ chia gạch làm không gian bị chật, hoạ tiết lan can hơi “nặng” so với trần. Bức tranh Sen là tác phẩm sơn mài của hoạ sĩ Lê Quang Chiến. | Mặt ngoài công trình nhìn từ góc phố Hàng Buồm. Xà gỗ, cửa sổ và mái ngói được tôn tạo sát theo nguyên bản căn nhà |
Mặt bằng tầng 1 | |
Mặt bằng tầng 2 (áp mái ) |
(Theo Kiến trúc & Đời sống)