Khi sắp xếp các khu chức năng trong một ngôi nhà, bản thân các khu vực tốt xấu và mối quan hệ với người cư ngụ cần phải được tính toán từ đầu, theo những quy luật về công năng, thẩm mỹ và tâm lý sử dụng.
Từ thế giới quan của người xưa
Một trong những tri thức con người có sớm nhất chính là khả năng nhận biết phương hướng, trái phải, trước sau. Từ điều kiện khí hậu cụ thể của nước ta là gió mát và lành ở hướng đông-nam, nam, gió lạnh từ đông-bắc, nắng gắt từ tây và tây-bắc… thì những kinh nghiệm truyền lại luôn nhắc nhở rằng khi xây cất nhà cửa gia chủ cần coi trọng phương vị để tránh dữ đón tốt.
Cụ thể như việc xoay hướng nhà về các phía lân cận nam để nhận gió mát, trồng cây cao lá dày ở phía bắc và đông-bắc để che gió lạnh mùa đông… đều giúp cho người cư ngụ có một môi trường sống tốt nhất trong điều kiện có thể. Việc chú ý bên trái, bên phải cũng là cách chọn phương vị sao cho thuận lợi, xuất phát từ quan niệm xem ngôi nhà cũng như cơ thể người ta, đa phần mọi người thuận tay phải cho các hoạt động, trong khi trái tim nằm bên trái cần che chở, do vậy người xưa quan niệm ngôi nhà phần bên trái thuộc Long (tính theo chiều người đứng bên trong nhà nhìn ra ngoài) nếu quay về hướng nam thì bên trái là Mộc, màu xanh nên gọi là Thanh long, cần đầy đặn sáng sủa.
Phía bên phải là phương tây, màu trắng, hành Kim gọi là Bạch Hổ, không được lấn át Thanh long. Sau lưng là hướng bắc, thuộc Thủy, màu đen gọi là Huyền Vũ, cần cao dày làm chỗ dựa. Trước mặt là hướng nam, thuộc Hỏa, màu đỏ, gọi là Chu Tước nên thoáng đãng sáng tươi. Những vật biểu tượng này nói lên thế giới quan, vũ trụ quan của người xưa khi nhìn các chòm sao thiên văn và suy lý từ các hiện tượng tự nhiên để hình thành nên khoa phong thủy đông phương.
Đến sắp xếp cụ thể trong nhà ở hiện nay
Ngay cả khi không chọn được nhà ở hướng nam thì khi sắp xếp phòng ốc vẫn nên chú ý các hướng cát - hung để những không gian cần bảo vệ, cần được giảm tác động xấu (như phòng ngủ) được nằm về phương vị tốt. Ngược lại, những vị trí ít sử dụng (như nhà kho, hành lang) hoặc phòng vệ sinh thì có thể nằm về các phương vị xấu để hóa giải theo cách hung gặp hung hóa cát, dùng những không gian phụ làm lớp đệm ngăn cách cho không gian chính.
Vị trí của bếp trong nhà là nằm về cuối hướng gió chủ đạo, nên gần cửa sổ (tốt nhất là cửa trên cao) để thoát hơi nóng, thoát mùi nấu nướng, nhưng đồng thời cũng tránh trực diện cửa đi hay cửa sổ để phòng gió thổi tạt lửa.
Khi bắt đầu bố trí nội thất nhà ở, mỗi gia chủ đều có những sở thích, nhu cầu riêng cần phải dung hòa giữa điều kiện sẵn có và khả năng mong muốn để chọn lựa trong hoàn cảnh của mình.
Sự phân chia phương vị cát hung cần căn cứ theo hướng khí hậu, hướng mệnh trạch mà sắp xếp,trong đó phần bếp luôn là “tọa hung hướng cát” – tức là đặt bếp dựa vào hướng xấu mà xoay miệng bếp về hướng tốt. Ta cũng nên lưu ý hướng bếp là hướng của mặt trước bếp chứ không phải là hướng nhìn của người đứng nấu vì có thể người nấu đứng lệch và thời gian nấu không lâu.
Hướng bếp là hướng của mặt trước bếp
Bếp đã yên vị thì những không gian dùng nước nhiều (như toa-lét, sàn nước) chớ nên nằm chắn trước mặt hay đặt trùng lên trên để tránh Thủy khắc Hỏa. Nếu một ngôi nhà khi bước vào thấy ngay chỗ nấu nướng, miệng bếp (Táo khẩu lộ) hay cửa toa-lét mở ra phòng khách, bàn ăn thì tức là đã phạm vào Ngũ hư thứ tư, đặt sai vị trí những thành phần cơ bản nhất cho sinh hoạt một gia đình.
Cũng cần lưu ý, quan niệm xem khu vệ sinh là không gian xấu (hung) thực ra không phải là xem thường, bỏ phế khu vực này mà do đây là nơi có nhiều sinh hoạt mang tính cá nhân, bài tiết và có xú uế, phải tránh làm lộ liễu ra các không gian sinh hoạt khác, và cần thuận lợi cho quá trình sử dụng cũng như bảo trì sửa chữa.
Giếng nước hay nguồn nước sinh hoạt (bể nước ngầm, đường nước thủy cục…) cũng là những vị trí cần quan tâm đúng phương vị, tránh đặt kế bên những vị trí xấu như hầm phân, hố ga, chuồng nuôi động vật… để tránh ô nhiễm nguồn nước. Cũng không nên đặt quá gần các trục di chuyển trong nhà có thể gây va chạm, bể đường ống hay rò rỉ nước.
(Theo Kythu)