Hầu như ngôi nhà nào cũng cần có những khu vực dành cho học tập hay làm việc, nhất là buổi công nghệ thông tin trên internet vào tận mỗi gia đình. Có những nhà có dự liệu trước khi thiết kế nhưng cũng có nơi phải thiết kế, bố trí thêm sau khi thấy góc làm việc, học tập này thiết yếu. Dưới đây là những sơ đồ thiết kế các góc học tập và làm việc của công ty Chi An đã thiết lập trong những năm qua do kiến trúc sư Trần Kế Hào, giám đốc công ty cung cấp.
Hình 1: Nhà cô Bình ở quận 5. Khi xây dựng, phòng học cho con không được thiết kế. Và giải pháp sau đó là xén bớt phòng kho ở tầng lửng để làm phòng học tập. Tổ chức một thang đứng bám theo thành giếng trời sau nhà để lên kho. Khi đó, phòng học kề bên phòng ngủ, được trổ thêm cửa sổ xuống sát sàn để lấy sáng thoáng tự nhiên từ khu vực cầu thang và giếng trời. |
Hình 2: Nhà anh Tuấn ở quận 5 có hai con trai đang tuổi mới lớn nên không muốn đóng kín khu vực riêng của con để dễ bề “kiểm soát”. Từ đó, người thiết kế tạo một không gian mở, xuyên phòng, không cửa, không vách ngăn; từ chỗ làm việc của ba mẹ thông xuyên nơi học và chỗ ngủ của con cái. Tại tầng lửng này, các khu vực chức năng rất thông thoáng tự nhiên nhờ khoảng thông tầng phía trước và giếng trời bên lối giao thông chiều đứng. |
Hình 3: Cũng tính đến việc dễ trông nom con cái nên chị Diễm ở quận 5 – gia chủ muốn chỗ học của con nằm tại tầng trệt với không gian mở. Phân khu chức năng từ phòng khách đến bếp ăn chỉ là ước lệ. |
Hình 4: Nhà anh Thịnh ở quận 8 cần có nơi làm việc tại gia, người thiết kế đã đưa phòng làm việc này kề phòng ngủ chính của gia chủ nhưng thông suốt chỉ ngăn hờ bởi cửa vòm - vừa chung, vừa có tính riêng biệt. |
Hình 5: Bàn vi tính làm việc của nhà anh Phương quận 11 đặt gần phòng sinh hoạt chung gia đình. Nhờ khu vực này sát khoảng thông tầng giữa nhà nên thoáng mát và tách bạch được với phòng khách một bên. |
Hình 6: Trong không gian khiêm tốn, nhà ông Hùng, quận 5 đưa bàn làm việc và nơi dạy học vào phòng ăn. Với cách bố trí như vậy, từ hệ cầu thang đến bức bình phong phòng khách cũng ngăn cách riêng biệt được các phân khu chức năng. |
Hình 7: Từ phòng ngủ của người con nằm sát giếng trời, người thiết kế lấy bớt một ít diện tích của vườn kiểng và giếng trời để tạo góc nhỏ kê đủ bàn học. Vừa không choán diện tích phòng vừa thoáng sáng tự nhiên. Đây cũng là trường hợp không dự liệu trước khi thiết kế xây dựng. |
Hình 8: Nhà ông Anh quận Tân Phú tổ chức nơi học hành của hai con nằm chung trong hai phòng ngủ. Và phòng nào cũng có cửa thông thoáng hướng về môi trường tự nhiên. |
(bài và ảnh: Nguyễn Sáu // SGTT Online)