Tại VN, thạch cao vẫn chủ yếu được dùng làm vách, trần |
Từ nhiều thập niên trở lại đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã dần thay loại vật liệu tường thạch cao thay cho tường gạch truyền thống trong thiết kế xây dựng. Tuy nhiên, tường thạch cao vẫn chưa được sử dụng nhiều tại VN. Mức sử dụng thạch cao của VN hiện tại rất thấp, chỉ khoảng 0,2 m2/người/năm. Trong khi, tỷ lệ này ở các nước khu vực Châu Á là 3 - 4 m2/người/năm. Còn tại các nước Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, tỷ lệ là 10 -11 m2/người/năm.
Theo số liệu tính toán của các chuyên gia vật liệu xây dựng, 1m2 tường gạch có trọng lượng khoảng 200 kg. Trong khi, 1m2 tường thạch cao bình thường chỉ nặng 22 kg. Loại tường thạch cao nặng nhất dùng để chống ẩm cũng chỉ nặng 35 kg/m2. Nhờ trọng lượng nhẹ, chỉ bằng khoảng 12% trọng lượng vách ngăn bằng tường gạch nên vách thạch cao làm giảm đáng kể tải trọng trong thiết kế kết cấu cho công trình, giảm kích thước nền móng, tiết diện đà, cột, trọng lượng thép chịu lực, có thể tiết kiệm khoảng 15% chi phí xây dựng cho cả công trình.
Nét nổi bật của tường thạch cao là sự đa dạng của sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật như chống cháy, chống ẩm, cách âm và tiêu âm. Tấm thạch cao chống cháy có tính chất vật lý và hóa học có khả năng chống cháy lên đến 2 giờ tùy theo chiều dày cũng như số lớp tấm lắp đặt cho vách. Loại tấm chống cháy thường được sử dụng cho khu vực thoát hiểm và phòng lưu trữ dữ liệu, thông tin. Ngoài ra, sản phẩm có khả năng chịu được trong môi trường ẩm ướt, thường sử dụng cho nhà bếp, nhà tắm, khu vực có độ ẩm cao...
Một nhóm nghiên cứu các chuyên gia về vật liệu xây dựng của Pháp vừa công bố những tài liệu nghiên cứu kéo dài 6 tháng về sự hiệu quả của công trình sử dụng tường thạch cao. Đối tượng nghiên cứu của nhóm này là một công trình 25 tầng có diện tích sàn 46.864 m2 (322 căn hộ). Tổng giá trị dự án là 492 tỷ đồng (27,8 triệu USD). Nếu thi công bằng tường gạch thời gian thi công công trình mất 22 tháng, còn thi công tường thạch cao rút gắn được 3 tháng (mất 19 tháng thi công). Do tường thạch cao nhẹ hơn nên công trình giảm gần 9 tỷ đồng. Các chi phí về nhân công, máy móc, chi phí quản lý, giám sát cũng giảm khoảng 14 tỷ đồng. Việc rút ngắn thời gian thi công, khiến công trình được đưa vào sử dụng trước 3 tháng cũng đem lại lợi nhuận 11,8 tỷ đồng... Tổng giá trị tiết kiệm được của công trình là 34,5 tỷ đồng, tương đương 7% giá trị công trình.
Để liệt kê những lý do khiến các công trình kiến trúc của VN vẫn chưa coi thạch cao và vật liệu chủ yếu làm tường ngăn thì còn khá nhiều. Tuy nhiên, theo bà Phan Thu Hằng – GĐ kỹ thuật và tiếp thị của Công ty TNHH VLXD Saint – Gobain VN, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà thiết kế, kiến trúc sư... chưa hiểu hết các tính năng trong xây dựng của thạch cao. Một nguyên nhân nữa là do tâm lý của người sử dụng. Người dùng vẫn ngại về vấn đề chi phí, bên cạnh có thói quen sử dụng vật liệu truyền thống làm tường ngăn mà chưa có niềm tin tuyệt đối vào độ an toàn, độ bền và độ cứng của vách thạch cao. Không ít chị em nội trợ thì bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng treo đồ vật lên vách thạch cao... Họ cũng không biết rằng thạch cao còn có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt hơn rất nhiều so với tường gạch truyền thống. Cũng theo bà Hằng, hiện nay, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng thạch cao đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng trên 100 loại vách thạch cao. Ví dụ loại vách thạch cao Gyproc Duraline của Cty Saint-Gobain có khả năng chịu va đập rất cao. Đây là loại vật liệu thường áp dụng cho các loại vách sử dụng ở những khu vực có mật độ người lưu thông cao, thường xuyên có những tác động mạnh vào bề mặt vách. Nhìn chung, tùy vào yêu cầu sử dụng, các nhà thiết kế có thể đưa vào công trình những loại thạch cao thích hợp như chống cháy, cách âm, chống ẩm...
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)