Kê huyết đằng tên khoa học là Sargentodoxa cubeata (Oliv), dân gian còn gọi là cây dây máu, là loại dây leo, thân gỗ hình trụ tròn hoặc hơi dẹt, mặt cắt có những vòng gỗ đồng tâm hoặc không đồng tâm, nhựa màu đỏ nâu giống như máu gà. Cành lá nhẵn, lá mọc so le gồm ba lá chét hình mác, đầu nhọn hoặc tù, mặt trên nhẵn, dưới có lông nhám. Hoa màu vàng nâu, mọc thành chùy ở đầu cành hoặc kẽ lá. Quả loại đậu, dẹt thường có một hạt màu nâu.
Vị thuốc kê huyết đằng. |
Theo Đông y, kê huyết đằng vị đắng, hơi ngọt, tính ấm quy vào kinh can, thận. Tác dụng bổ khí huyết, mạnh xương cốt, thư cân, chỉ thống. Điều trị các chứng ứ huyết, cơ nhục sưng đau, tê thấp, đau lưng, mỏi gối, chân tay tê bại, ra mồ hôi, kinh nguyệt không đều.
Liều dùng 12-40g. Trường hợp huyết không hư mà thiên về ứ trệ, phụ nữ có thai không dùng.
Một số bài thuốc thông dụng có kê huyết đằng:
Bài 1:
Chữa các chứng khí hư, huyết thiếu, người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt dùng kê huyết đằng 16g, hà thủ ô đỏ 12g, đương quy 12g, nhân sâm 10g, thục địa 12g, đan sâm 12g. Hoặc dùng kê huyết đằng giao, đại bổ khí huyết, đem kê huyết đằng sắc đặc, cô thành cao lỏng, ngày uống 1 thìa canh pha với rượu hoặc nước chín để uống.
Bài 2:
Trường hợp chân, đùi sưng đau xuất hiện sợi mạch cứng rắn như chuỗi thừng, đau, nóng, rát, đỏ, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng nhớt, do nhiệt độc thấp trọc ngăn trở đường mạch lạc ở dưới, phải thanh lợi thấp nhiệt, giải độc thông kinh, hoạt huyết. Dùng kê huyết đằng 30g, ngưu tất 15g, mộc qua 15g, xích thược 15g, 9g, thương truật 9g, đào nhân 9g, trạch tả 9g, ô dược 6g, trạch lan 30g, sắc uống.
Bài 3:
Nếu đau lưng, mỏi gối, đau các khớp chân, tay dùng kê huyết đằng 16 g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, xuyên khung 12g, dây đau xương 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.
Bài 4:
Trường hợp chân tay lạnh phần nhiều ở chi dưới, đồng thời có cảm giác tê mỏi, phải trừ hàn, hoạt huyết, ôn kinh lạc dùng kê huyết đằng 30g, quế chi 12g, hắc phụ 12g, can khương 10g, đương quy 15g, xích thược 15g, xuyên khung 15g, hoàng kỳ 15g, thục địa 15g, ngưu tất 10g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5:
Chữa ra mồ hôi tay chân dùng kê huyết đằng 16g, đương quy 16g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, ý dĩ nhân 12g, thương truật 10g, sa sâm 12g, hoài sơn 12g, mẫu lệ 10g, sài hồ 10g, ô tặc cốt 10g, quả lá lốt 10g, tỳ giải 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 6:
Trường hợp kinh nguyệt không đều dùng kê huyết đằng 16g, nghệ vàng 6g, ngưu tất 10g, ích mẫu 12g sắc uống. Nếu kèm theo triệu chứng bầu vú trướng, bụng dưới đau, trướng khó chịu do khí trệ, huyết ứ, dùng kê huyết đằng 16g, hương phụ chế 12g, chỉ thực 8g, xuyên khung 12g, sung úy tử 8g, ô dược 6g, sơn tra 8g, đương quy 12g, trạch lan 12g. Sắc uống ngày một thang.
(Theo DSCKI. Phạm Hinh // Sức khỏe & đời sống)