Bạn bị ho dai dẳng trong nhiều tuần lễ, làm thế nào để nhận ra đó có phải là chứng cảm khó trị hay là một bệnh gì đó nghiêm trọng hơn?
Một cơn ho mạn tính, được định nghĩa là cơn ho kéo dài hơn 8 tuần, không phải hiếm gặp. Chỉ có bác sĩ mới cho biết câu trả lời chính xác. Có nhiều chứng bệnh có thể khiến bạn ho không dứt, chẳng hạn như bệnh suyễn, hội chứng chảy mũi sau, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Hoặc có thể bạn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dạng bệnh tiến triển nghiêm trọng bao gồm cả bệnh khí thủng và viêm phế quản. Sau đây là 7 “thủ phạm” có thể gây ho dai dẳng:
1 suyễn và dị ứng: Theo tài liệu của Phòng khám hô hấp BV ĐH Y dược TP.HCM, bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính của đường thở, các đường thở trong phổi của bệnh nhân bị viêm và hẹp lại. Bên cạnh triệu chứng co thắt ngực, thở gấp và khò khè, ho là triệu chứng đặc trưng của suyễn. Bệnh có xu hướng trở nặng vào buổi tối hoặc sáng sớm.
Người bệnh lên cơn suyễn khi các triệu chứng bột phát đột ngột. Dù nó có thể bắt đầu ở bất kỳ lứa tuổi nào, suyễn thường phát triển ở thời niên thiếu. Những tác nhân gây suyễn khác nhau ở mỗi người, và chúng có thể bao gồm việc vận động, cảm lạnh, khói thuốc và các chất gây kích ứng trong không khí, và một số loại thực phẩm. Người bị suyễn cũng có thể bị dị ứng.
2 bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Bệnh xuất hiện khi đường hô hấp và các phế nang trong phổi bị viêm hoặc tổn thương, hầu hết là do hút thuốc lá. Bệnh thường gặp ở những người trên 45 tuổi. Ở người mắc bệnh, các phế quản tiết dịch nhầy quá mức và theo phản xạ, cơ thể cố gắng khai thông bằng cách ho. Bệnh nhân cũng có thể khó thở do mô phổi bị tổn thương khiến việc đẩy không khí ra khỏi phổi trở nên không dễ dàng. Sau khi loại trừ những nguyên nhân gây ho thông thường, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không, đặc biệt nếu bạn nghiện thuốc lá.
3 bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Bệnh xuất hiện khi a-xít trong dạ dày trào ngược lên thực quản do cơ vòng thực quản dưới, có chức năng ngăn chặn sự trào ngược của a-xít, bị suy yếu. Triệu chứng đặc trưng là ợ nóng, ho, đau ngực, thở khò khè. Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản nếu không được sớm phát hiện và điều trị, sẽ gây ho kinh niên.
4 nhiễm trùng đường hô hấp: Ho là một trong những triệu chứng thường gặp khi cảm lạnh, cúm và mắc những dạng nhiễm trùng đường hô hấp khác. Ho dai dẳng hơn nghẹt mũi và sốt, có thể là do khí quản trong phổi vẫn còn dễ bị kích ứng và viêm. Khi tình trạng này xảy ra, người ta gọi đó là hội chứng ho mạn tính ở khí quản trên (còn gọi là hội chứng chảy mũi sau, chảy nước mũi vào cổ họng do lạnh hoặc dị ứng).
Một dạng viêm đường hô hấp nặng hơn đó là viêm phổi, có thể là do vi khuẩn hoặc vi-rút.
5 ô nhiễm không khí: Nhiều chất gây ô nhiễm và kích ứng trong không khí có thể gây ho liên tục. Thậm chí chỉ cần tiếp xúc khói xe (chạy bằng dầu diesel) trong thời gian ngắn cũng có thể phát ho, có đàm và sưng phổi. Khói bụi cũng có thể làm chứng dị ứng hoặc bệnh suyễn trở nên nghiêm trọng hơn. Tương tự, nấm mốc hiện diện ở trong và xung quanh nhà có thể gây thở khò khè và ho khi hít phải.
6 viêm phế quản cấp tính: Nếu bạn đang hồi phục sau khi bị cảm lạnh, bất thình lình ho khan, khạc ra đàm, bạn có thể bị viêm phế quản cấp. Đây là tình trạng phế quản bị nhiễm trùng và viêm. Ngoài ho và ngực bị xung huyết (do nghẽn mạch máu ở ngực), bệnh còn gây sốt, ớn lạnh, đau nhức, viêm họng và những triệu chứng khác giống bị cảm cúm. Những triệu chứng này thường hết trong vài ngày nhưng ho có thể kéo dài vài tuần.
Nếu chứng ho không khỏi, hoặc nếu bạn thường bị viêm phế quản cấp tính, đó có thể là dấu hiệu viêm phế quản mạn tính. Đây là dạng bệnh nặng, xảy ra khi phổi do bị kích ứng liên tục nên tiết ra quá nhiều dịch nhầy. Viêm phế quản mạn tính là một dạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
7 ho gà: Ho lâu ngày (ho gà) là bệnh nhiễm khuẩn với các triệu chứng: sốt nhẹ, sổ mũi và đặc biệt là ho dữ dội khiến khó thở. Việc gắng sức thở giữa cơn ho có thể tạo nên tiếng rít đặc trưng. Sau thời kỳ đầu, nhiều người hết sốt nhưng ho mạn tính kèm biểu hiện ho gà có thể kéo dài nhiều tuần.
(Theo Thanhnien online)