Sự cố hạt nhân gây ra phóng xạ tại Nhật khiến người dân Nhật và một số nước phải tìm đến viên thuốc chứa iodine (i-ốt) để làm giảm tác hại của phóng xạ với cơ thể. Vậy thuốc này có tác dụng thế nào?
->> Bạn làm gì để tránh phơi nhiễm phóng xạ?
->> Nhiễm phóng xạ có thể gây bệnh gì?
->> 'Bóng ma' nhiễm phóng xạ ở Nhật
Thuốc potassium iodide có thể ngăn ngừa i-ốt phóng xạ lọt vào tuyến giáp trong cơ thể người, tránh được nguy cơ ung thư tuyến giáp, nhưng sử dụng phải cẩn thận. Ảnh: USA Today |
I-ốt có lợi đẩy lùi i-ốt phóng xạ
Phóng xạ liều cao sẽ gây ra ung thư ở người, cơ quan dễ bị tổn thương nhất là tuyến giáp. Người ta đã ghi nhận tỉ lệ trẻ bị ung thư tuyến giáp rất cao ở khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine sau khi nhà máy này bị cháy nổ hồi năm 1986.
Tuyến giáp lấy i-ốt trong máu để tạo ra hormone quan trọng giữ cho cơ thể hoạt động, theo James Fagin, phát ngôn viên hiệp hội tuyến giáp Mỹ. Tuy nhiên tuyến giáp không phân biệt được sự khác nhau của i-ốt trong máu với i-ốt phóng xạ do sự cố hạt nhân phát tán ra, và chất phóng xạ này đi vào tuyến giáp sẽ gây nên ung thư.
Để bảo vệ trẻ em, Nhật đã cung ứng 230.000 viên thuốc potassium iodide, và bằng cách làm cho cơ thể ngập tràn i-ốt dạng ổn định từ thuốc viên, các bác sĩ hy vọng i-ốt ổn định với số đông sẽ đẩy các i-ốt phóng xạ ra ngoài và tuyến giáp sẽ ít có cơ hội lấy được i-ốt xấu này.
Trẻ em và thai nhi dễ bị tổn thương bởi i-ốt phóng xạ, bởi vì các tế bào trong cơ thể chúng phát triển rất nhanh hơnso với người lớn. Đó là lý do tại sao trẻ em và phụ nữ mang thai có tiếp xúc với phóng xạ được ưu tiên nhận thuốc.
Nhiều người Mỹ lo ngại sự cố hạt nhân ở Nhật đã vội đi tìm mua thuốc này, tuy nhiên ghi nhận của báo USA Today ngày 14.3 cho thấy phần lớn các hiệu thuốc ở California đã hết sạch. Ngay cả website bán hàng trực tuyến Nukepills.com chuyên cung cấp các sản phẩm phòng ngừa phóng xạ cũng đã cạn hàng thuốc potassium iodide dạng viên và dạng lỏng, chủ tịch doanh nghiệp này, ông Troy Jones nói.
Ông Jones cho biết doanh nghiệp ông có 250.000 viên và 3.000 gói Thyroshield vốn dành cho một tháng bán hàng, thế mà chỉ một đêm thứ bảy 12.3 (sau ngày xảy ra động đất ở Nhật), số thuốc này đã được mua sạch! “7.000 đơn hàng giao trong vòng 3 ngày, tôi ngập với e-mail đặt hàng”, ông Jones.
Coi chừng tác dụng ngược
Sau sự kiện thảm hoạ Chernobyl, chất phóng xạ chủ yếu tập trung ở cỏ, bò ăn vào và phóng xạ theo vào sữa. Ở bò và người, tuyến vú khi sản xuất sữa đều tạo ra i-ốt, và sữa đó là nguồn cung cấp i-ốt chủ yếu cho trẻ.
Thông thường ung thư do phóng xạ mất từ 10 – 20 năm để phát triển.
Tuy nhiên viên thuốc potassium iodide có thể gây tác dụng ngược, do vậy chỉ nên dùng thuốc này một khi ta đã bị nhiễm phóng xạ, theo giáo sư Jonathan Links, trường y khoa cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg.
Cũng theo cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), potassium iodide có thể gây ra viêm tuyến nước bọt, rối loạn tiêu hóa, dị ứng và nổi mụn. Người dân không nên dùng thuốc này nếu họ bị dị ứng hoặc nhạy cảm với nó, hoặc nếu có các bệnh liên quan tuyến giáp, như bướu cổ, bệnh tuyến giáp tự miễn…
Thuốc potassium iodide phải được dùng cẩn trọng, tốt nhất là trước và ngay khi cơ thể bị nhiễm xạ. Nếu bị nhiễm xạ và sau đó mới dùng thuốc trễ (khoảng 1 tuần), có thể gây ra tình trạng các i-ốt phóng xạ sẽ bị “khoá” trong tuyến giáp thay vì bị đẩy ra ngoài. Ở thảm hoạ Chernobyl đã ghi nhận trường hợp này, là do uống thuốc trễ nên vẫn bị ung thư như thường.
Nhưng giáo sư Links cũng lưu ý: thuốc potassium iodide không bảo vệ được các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn bệnh máu trắng do bị ung thư xương, bệnh ung thư gan…
Cần nhớ là phóng xạ hạt nhân phát tán ra bên ngoài như cesium-137, strontium-90 và plutonium-241 có thể tích tụ trong xương người, gây ra ung thư xương hay bệnh máu trắng; plutonium-241 có thể tích tụ trong gan gây ra ung thư gan.
(Theo SGTT Online // USA Today)