Chẳng phải vì tác dụng trông thấy trên bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì mà ăn chay có tác dụng vô song. Trên thực tế, chúng cũng có những nhược điểm về dinh dưỡng không thể khắc phục.
Ăn chay tuyệt đối có tốt không?
Quả thực ăn chay có những tác dụng có lợi cho sức khoẻ. Có thể kể ra đây những tác dụng điển hình như giảm cân, ngừa bệnh tim mạch, củng cố miễn dịch, nâng cao khả năng sinh sản, ngăn chặn đột qụy não, giảm thiểu đái tháo đường, các rối loạn về xương khớp, về thận tiết niệu. Nhưng không phải vì thế mà ăn chay có tác dụng tốt tuyệt đối. Trên thực tế chúng cũng có những nhược điểm về dinh dưỡng không thể khắc phục.
Trên khía cạnh cung cấp các chất protid, ăn chay có thể cung cấp đủ hàm lượng các chất đạm. Nhưng xét một cách chi tiết, ăn chay lại không đảm bảo thành phần các axit amin cần thiết cho cơ thể. Có tất cả 8 loại axit amin cơ thể không tự tổng hợp được mà bắt buộc phải đưa vào từ thực phẩm.
Trẻ em, người mới ốm dậy, phụ nữ có thai không nên ăn chay. |
Nếu ăn chay, chúng ta chỉ có thể cung cấp được hai loại axit amin là lysin và methionin, còn lại là thiếu hẳn và thiếu hoàn toàn 6 loại axit amin khác. Sự thiếu hụt các axit amin cần thiết làm rối loạn các quá trình chuyển hoá protid, làm rối loạn các quá trình thần kinh và các chu trình chuyển hoá ở gan.
Hơn thế nữa, các protid có nguồn gốc động vật có cấu trúc rất gần với protein cơ, bộ phận chiếm chủ đạo protein trong cơ thể. Vì hai lý do này, chúng ta cần bổ sung lượng vừa đủ các protid có nguồn gốc động vật với tỷ lệ 40% tổng lượng protid.
Mặc dù là axit béo bão hoà, thành phần chủ đạo trong mỡ động vật, làm gia tăng các LDL, loại cholesterol gây ra nhiều biến cố tim mạch nhưng trong chuyển hoá các axit béo này lại ít tạo ra các gốc tự do. Trái lại, các axit béo có nguồn gốc thực vật đa phần là các axit béo chưa bão hoà như linoic, linoneic có lợi với hệ tim mạch nhưng trong chuyển hoá chúng lại tạo ra nhiều gốc tự do. Điều này là thực sự không có lợi với những bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn nặng.
Vốn vẫn được coi là chất cấu tạo nên máu, quyết định khả năng gắn oxy của tế bào máu, nhưng sắt lại có vô cùng nhiều trong các sản phẩm động vật. Nói đến sắt, chúng ta cần nghĩ tới thịt, cá, gan, trứng, sữa. Ăn chay đơn thuần không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sắt của cơ thể, nhất là những cơ thể có nhu cầu cao. Không những thế, sắt có nguồn gốc động vật được hấp thu tốt hơn sắt với nguồn gốc thực vật.
Giống như sắt, kẽm, nguyên tố vi lượng rất cần thiết ở trẻ em, chủ yếu chứa trong động vật như thịt, sữa, cá, hải sản. Vitamin A chỉ có trong sản phẩm có nguồn gốc động vật mà không hề có trong thực vật. Các sản phẩm thực vật chỉ chứa chất ở dạng tiền chất của vitamin A là caroten mà thôi. Cùng dòng họ, vitamin D cũng là loại vitamin chủ đạo có nhiều trong mỡ, gan cá, sữa, trứng mà ít thấy ở các thực phẩm chay. Vì thế, nếu sử dụng chế độ ăn chay không đúng có thể không đảm bảo những chất này trong chế độ dinh dưỡng.
Ai không nên ăn chay?
Vì liên quan đến gốc tự do và quá trình phân huỷ mô nên những người bị nhiễm khuẩn, sốt cao không nên ăn đồ chay chứa nhiều thành phần béo như dừa, vừng, lạc chỉ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Vì khối lượng các sản phẩm có nguồn gốc động vật thường “chắc” nên chỉ cần ăn một số lượng vừa phải các chế phẩm này đã có thể cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cơ bản như protid, lipit. Trong khi đó, để bổ sung đủ các thành phần này theo quy chuẩn, nếu không tinh chế, chúng ta sẽ phải ăn rất nhiều những thực phẩm chay. Do vậy, những thực phẩm chay không tương thích cho những người ốm nặng, trẻ em, những người vốn được coi là cần nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại không ăn được nhiều.
Xét về khả năng bổ sung sắt thì rõ ràng là khả năng cung cấp chất sắt của chế độ chay không thể bằng được chế độ ăn thịt, cá. Hơn thế nữa, những đối tượng cần nhiều sắt như bà mẹ mang thai, cho con bú thì nhu cầu sắt đã vượt qua cả chế độ dinh dưỡng. Theo ước tính, tổng số lượng sắt cần trong thời kỳ mang thai là 1.000mg... Cho nên, những bà mẹ mang thai, bà mẹ cho con bú nên sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc động vật và bổ sung thêm chất sắt bên ngoài. Chế độ chay được coi là không phù hợp với những đối tượng này.
Ở trẻ em giai đoạn ăn dặm, cần nhiều vitamin A, vitamin D. Để tránh những rối loạn thị giác do thiếu vitamin A, tránh bị còi xương do thiếu vitamin D, chúng ta cần cho bú sữa mẹ đầy đủ và sử dụng chế độ ăn dặm nhiều chế phẩm có nguồn gốc động vật để cung cấp đầy đủ hai loại vitamin này. Chế độ ăn chay thường gây ra nguy cơ thiếu hụt hai vitamin này vốn ít có trong các thực phẩm thực vật. Vì vậy không nên cho trẻ em ăn chay.
Như vậy, chế độ ăn chay cũng có tính hai mặt của nó. Hãy sử dụng chế độ ăn chay khoa học, đúng đối tượng để tận dụng những tác dụng có lợi và giảm thiểu những mặt yếu được coi là không thích hợp.
(Theo BS. Thu Hiền // Sức khỏe & Đời sống)