Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm cả những người mắc bệnh hen, nhiễm virus H1N1 lại là một câu chuyện khác bởi họ luôn có nguy cơ gặp rắc rối với đường thở nói chung, không chỉ riêng H1N1.
Đối với nhiều người, biểu hiện của cúm A/H1N1 bao gồm sốt, sung huyết, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa (hơi khác với cúm mùa ở chỗ cúm mùa ít khi gây buồn nôn). Trong đa số các trường hợp, bệnh sẽ lui chỉ với các loại chất lỏng (súp gà, canh nóng, nước quả…) và được nghỉ ngơi.
Nhưng với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm cả những người mắc bệnh hen, nhiễm virus H1N1 lại là một câu chuyện khác bởi họ luôn có nguy cơ gặp rắc rối với đường thở nói chung, không chỉ riêng H1N1.
Những người mắc hen thường bị co thắt phế quản bởi các dị nguyên như phấn hoa, lông thú, vi khuẩn, virus hay các chấn thương khác. Trong trường hợp nhiễm virus như H1N1, phổi sẽ sản xuất chất nhầy để tấn công vi khuẩn. Chất nhầy này sẽ chặn đường thở, “khởi động” cho chứng viêm phổi.
Vậy phải làm gì với người mắc hen bị nhiễm cúm A/H1N1?
Uống thuốc trị hen đều đặn
Những người bị hen mãn tính luôn cần có thuốc kiểm soát cơn hen để chống lại tình trạng viêm phổi. Vấn đề là họ cần tới loại thuốc này hằng ngày, thậm chí ngay cả khi họ cảm thấy khỏe khoắn. Nó sẽ giúp bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây hại, chẳng hạn như các siêu vi.
Nhưng nhiều người quên uống thuốc hoặc bỏ liều khi họ không có các triệu chứng hen.
Nếu bạn hay trẻ nhỏ trong nhà bị hen, hãy đảm bảo rằng thuốc được uống đều đặn, đặc biệt lưu ý với trẻ trên 10 tuổi bởi lúc này chúng đã biết cách nói dối mỗi khi quên hay bỏ thuốc. Cha mẹ cần nói chuyện với trẻ và giải thích cho chúng hiểu sự nguy hiểm khi bỏ uống thuốc.
Tiêm vắc-xin
Thuộc nhóm có nguy cơ cao với H1N1 có nghĩa rằng những người mắc hen nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt.
Đối với vắc-xin dạng xịt mũi, người mắc hen cần đợi khuyến cáo của TT Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hay các cơ quan uy tín trong nước bởi vắc-xin này có chứa virus H1N1 "ốm yếu".
Ý thức
Khi chưa được tiêm phòng, người mắc bệnh hen, đặc biệt là trẻ nhỏ, nên tránh những nơi chốn có nguy cơ lây truyền bệnh cao như các buổi tiệc đông người, chỗ công cộng…
Ngoài ra, cần rửa tay và che miệng khi ho, hắt hơi để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Không chủ quan
Khi trẻ có biểu hiện cúm, cần thông báo ngay với bác sĩ vẫn thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ.
(Theo CNN, Dân trí)