Hỏi: Có cháu nhỏ bị sốt phát ban, nằm điều trị ở bệnh viện hơn nửa tháng. Nghe các bác sĩ nói nghi cháu bị bệnh kawasaki. Đó là bệnh gì vậy, có nguy hiểm gì về sau không.
(Võ Thị Thu Hà, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An)
Trả lời: Trong các bệnh có sốt, phát ban, ngoài các bệnh thường gặp như sởi, rubella (sởi Đức), dị ứng; có một bệnh khác ít gặp hơn, nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh trên, đó là bệnh kawasaki. Bệnh có những biến chứng tim, mạch máu khá nghiêm trọng, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ các triệu chứng.
Bệnh được bác sĩ người Nhật, Tomisaku Kawasaki mô tả đầu tiên vào năm 1967. Bệnh còn được gọi là hội chứng bạch huyết, niêm mạc vì gây tổn thương ở niêm mạc (miệng, đường hô hấp), da và hạch bạch huyết.
Trẻ em Nhật Bản, Hàn Quốc có tỉ lệ mắc bệnh cao, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng tất cả các nhóm chủng tộc. Ở Mỹ, khoảng 2.000 ca bệnh mỗi năm, số trẻ trai mắc bệnh nhiều gấp rưỡi trẻ gái. Đa số trẻ bệnh có độ tuổi từ 18 tháng đến 2 năm. 80% ca bệnh dưới 4 tuổi. Hiếm có trường hợp nhiều hơn 8 tuổi.
Sốt là triệu chứng đầu tiên, thường trên 390C, kéo dài ít nhất 5 ngày.
Viêm kết mạc, xuất hiện ở cả hai mắt, mắt đỏ nhưng không xuất tiết. Sau vài ngày ban xuất hiện ở thân, vùng sinh dục. Môi khô, đỏ, nứt nẻ. Lưỡi rộp, đỏ, cùng bợn trắng, như hình quả dâu. Họng đỏ, rát. Lòng bàn tay, chân nổi ban đỏ, kích thích. Một nửa số trẻ có nổi hạch ở cổ.
Ở giai đoạn hai, da lòng bàn tay chân bắt đầu tróc vảy thành từng mảng lớn. Một số trẻ có đau khớp, ỉa chảy, nôn mửa hoặc đau bụng.
Trong giai đoạn cuối, các triệu chứng giảm dần trừ những trường hợp có biến chứng.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh kawasaki là những tổn thương ở tim và mạch vành (mạch máu nuôi tim), chiếm khoảng 20% trường hợp. Khi mạch vành bị viêm, có thể dẫn đến phình mạch, làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông gây tắc mạch, nhồi máu cơ tim.
Vì nguyên nhân bệnh vẫn chưa rõ, nên cũng không có cách phòng bệnh.Bệnh không lây, không di truyền
Bệnh nên được theo dõi, điều trị tại bệnh viện trong thời gian đầu. Theo dõi các biến chứng về tim có thể kéo dài đến 1 năm sau.
(Theo BS ĐOÀN VĂN HẢI // Phú Yên Online)