Những vụ hoả hoạn liên tiếp gần đây không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn gây ra những thương tích cho nạn nhân. Trong đó có rất nhiều vụ, tổn thất sức khoẻ lẽ ra ít nghiêm trọng hơn nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời, đúng cách.
![]() |
Bên cạnh kiến thức phòng cháy chữa cháy, kỹ năng sơ cứu phỏng cũng là điều mà mỗi người dân nên biết. Ảnh: Tràng Dương |
Nhân viên y tế cũng sơ cứu... sai
Mỗi năm, viện Bỏng quốc gia tiếp nhận khoảng 5.000 ca điều trị nội trú và 1.000 ca ngoại trú. Trung bình một ngày có hàng chục ca phỏng với nhiều nguyên nhân: phỏng lửa, nước sôi, xăng, điện, gas, cồn,… Trong đó phỏng nước sôi chiếm đông nhất, kế đến là lửa, điện... Nhiều trường hợp vĩnh viễn mất đi đôi chân chỉ vì trèo cột điện bắt chim, thả diều bị điện giật. Thủ phạm gây phỏng đôi khi lại chỉ là một cái phích trên bàn nước, một bát nước canh nóng hay thậm chí khi đang nướng mực bằng cồn. Trong số những trường hợp cấp cứu có đến một nửa là trẻ em (đa số từ 1 – 5 tuổi) gặp nạn do sự bất cẩn của người lớn.
Không chỉ người dân ở vùng sâu vùng xa, do điều kiện sinh hoạt còn thấp, trình độ dân trí chưa cao nên mù mờ về phỏng mà ngay cả những người có học thức cũng thiếu những kiến thức sơ đẳng về sơ cứu phỏng. Đáng nói hơn, qua một số vụ hoả hoạn gần đây còn cho thấy nhiều nhân viên y tế tuyến dưới, do không được đào tạo bài bản, chỉ được hướng dẫn rất ít về sơ cứu phỏng nên cũng tỏ ra lúng túng, không biết xử lý thế nào khi vào cuộc, dẫn đến các động tác sơ cứu sai.
Làm nguội bằng nước mát, sạch
Tuỳ trường hợp phỏng sẽ có cách sơ cứu khác nhau. Cách tốt nhất là dùng nước mát trắng sạch làm nguội vùng da thịt bị phỏng. Nước mát trắng sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.
Kem đánh răng, mỡ trăn làm phỏng nặng hơn Khi xảy ra phỏng, người nhà nạn nhân rất hay tuỳ tiện sử dụng những kinh nghiệm chữa phỏng dân gian như bôi kem đánh răng, đổ nước mắm vào, rắc vôi bột, bôi lòng trắng trứng, mỡ trăn, nhựa chuối, bùn ao, vôi bột, có trường hợp còn xát cả muối hột vào vết bỏng… Thực tế điều trị cho thấy những cách chữa phỏng này chẳng những không giảm bớt mà còn làm nặng thêm, vì vậy cần phải hết sức tránh làm theo. |
Phỏng nước sôi: khi sơ cứu không cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới lột da vùng bị phỏng mà ngâm ngay phần cơ thể bị phỏng vào nước lạnh sạch trong thời gian từ 15 – 20 phút (không dùng nước đá để làm mát vết phỏng). Sau đó băng nhẹ vết phỏng bằng gạc đã vô trùng hoặc vải sạch không có lông tơ, rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không bôi bất kỳ loại thuốc hay chất gì lên vết phỏng.
Phỏng do lửa cháy: dùng nước hoặc cát dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo khoác, chăn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (tuyệt đối không dùng vải nhựa, nilông). Xé bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm nước nóng, dầu hay các dung dịch hoá chất. Bọc vùng phỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. Các bước tiếp theo làm tương tự như phỏng nước sôi.
Phỏng do điện giật: không vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu ngay. Nguyên tắc sơ cứu là sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, phải để nạn nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo. Khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu.
Do mất nước qua vết phỏng, rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông) nên bệnh nhân phỏng rất dễ bị sốc nặng. Để phòng sốc, bù dịch càng nhanh càng tốt, đơn giản nhất là cho uống nước, đặc biệt những nước khoáng, muối… Cấp cứu phỏng tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải khẩn trương, linh hoạt. Người cấp cứu thành thạo có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm cho nạn nhân. 70% số ca phỏng nếu được giữ sạch, sẽ lành tự nhiên.
TS.BS Nguyễn Viết Lượng
(viện Bỏng quốc gia)
Lệ Hà ghi
Cúi thấp mặt khi thoát hiểm cháy nổ Theo đại tá Lê Tấn Bửu, phó giám đốc sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an TP.HCM, khi có sự cố hoả hoạn, cháy nổ, người phát hiện cháy cần nhấn chuông báo động được thiết kế ở mỗi tầng nhà để báo cho ban quản lý toà nhà, từ đó báo động toàn bộ các hộ dân trong toà nhà biết để thoát hiểm. Mỗi người theo biển báo lối thoát (exit) hoặc theo đèn chiếu sáng để đi ra hướng thoát nạn. Khói bốc ra theo hướng đi lên cao, vì vậy khi thoát hiểm phải cúi thấp mặt xuống đất để giảm nồng độ khói. Nên sử dụng khăn tay thấm nước để bịt mũi và nhanh chóng thoát ra khỏi đám cháy. Nếu khói dày, nên bò thấp sát mặt sàn (nơi có không khí nhiều nhất) để đến lối thoát nạn. Khi cháy mà đang ở trong phòng kín, nên tìm mọi cách mở cửa, đập cửa kính và nhanh chóng vào buồng thoát hiểm hoặc ra bancông kêu cứu. Lúc kêu cứu, nên cầm vải áo hay bất kỳ cái gì có thể làm tín hiệu thu hút sự chú ý để mọi người phát hiện và giải cứu. Trong một số vụ cháy, chui vào nhà vệ sinh tránh lửa chưa phải là cách tốt nhất bởi nếu đám cháy bao trùm sẽ hết oxy dẫn đến ngạt thở. Vũ Hảo |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |