Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nắng mưa, nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu luôn thay đổi nên số người mắc các bệnh về khớp rất nhiều.
Triệu chứng chung là sưng nóng đỏ đau các khớp, mưa lạnh, ẩm thấp thì đau tăng hoặc tái phát, trở thành bệnh mạn tính. Nguyên nhân bên ngoài theo Đông y là do phong hàn thử thấp xâm nhập cơ thể làm kinh lạc trở trệ, khí huyết mất thông sướng, cân cơ co cứng… Nguyên nhân bên trong là do can thận và khí huyết hư suy, khả năng phòng vệ của cơ thể yếu, từ đó gây ra bệnh.
Ảnh: minh họa - Internet |
Theo Đông y, viêm khớp dạng thấp có 2 thể cấp tính và mạn tính. Sau đây là một số bài thuốc Nam điều trị theo từng thể bệnh.
Viêm khớp cấp tính:
các khớp sưng đau, người sốt, toàn thân mệt mỏi, nhiều khi kèm theo viêm họng, đau họng. Khớp sưng đau tăng lên khi bị lạnh và ẩm ướt. Phép trị: khu phong tán hàn, chống viêm, chỉ thống. Dùng một trong các bài:
Bài 1: rễ bưởi bung 16g, thổ phục linh 20g, cà gai leo 12g, nam tục đoạn 20g, hà thủ ô 16g, xương bồ 16g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Bài 2: xuyên khung 10g, cỏ xước 10g, tất bát 12g, kê huyết đằng 20g, ngải diệp 16g, tang ký sinh 16g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, ngũ gia bì 16g, cẩu tích 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Bài 3: nam tục đoạn, ngũ gia bì, ngải diệp, trinh nữ, cối xay, đơn hoa, kê huyết đằng, xa tiền thảo mỗi vị 24g. Ngày dùng 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Viêm khớp mạn tính:
Biểu hiện: đau nhức các khớp, ổ khớp không sưng, người không sốt, hạn chế vận động, đau tăng lên khi thời tiết thay đổi, có biểu hiện cứng khớp, thường gặp ở người cao tuổi. Phép trị: trừ phong, lợi thấp kết hợp với bổ can thận và dưỡng huyết. Dùng một trong các bài:
Bài 1: đương quy 12g, bạch thược 12g, kê huyết đằng 20g, trinh nữ 20g, bưởi bung 20g, hy thiêm 20g, đinh lăng 20g, nam tục đoạn 20g, quế 8g, thiên niên kiện 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. 15 - 17 ngày là một liệu trình.
Bài 2: thổ phục linh 20g, trinh nữ 20g, xương bồ 16g, ngải diệp 16g, kinh giới 16g, hà thủ ô chế 16g, kê huyết đằng 20g, tất bát 12g, đương quy 12g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
- Nếu đau nhiều không ngủ được, gia: hắc táo nhân 16g, viễn chí 12g, lạc tiên 20g.
- Thường bị lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa, gia: bạch truật 16g, sơn thù 10g, lương khương 12g.
- Ăn uống kém, cơ thể suy nhược, gia: đại táo 5 quả, hoàng kỳ 16g, sinh khương 6g, nhân sâm 10g.
- Ho hen, khó thở, mắc đờm, gia: tía tô 12g, cát cánh 12g, bán hạ 10g, hậu phác 10g.
Kết hợp uống thuốc sắc với các thuốc xoa bóp ngoài như: quế 20g, thiên niên kiện 20g, hoa hồi 20g, bạch chỉ 24g, xuyên khung 20g, xương bồ 30g, cao lương khương 20g, gừng khô 20g, trần bì 20g, tô mộc 20g. Các vị thái nhỏ, bỏ vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm. Sau 10 ngày là dùng được. Dùng bông tẩm thuốc xoa vào những nơi bị sưng đau.
Theo Lương y Trịnh Văn Sỹ // Sức khỏe & Đời sống