Trong thời gian qua có khá nhiều trường hợp người dân các tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng ăn con so dẫn đến ngộ độc và đã có người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc do ăn so biển vì trong cơ thể so biển có chứa chất tetrodotoxins, có độc tính rất cao như độc tính cá nóc.
Phân biệt con so và con sam
Ảnh: minh họa. |
Về cấu tạo bên ngoài, gai trên lưng sam dài hơn và nhiều hơn loài so. Trên cơ thể con sam có nhiều khoanh tròn chạy dọc từ đầu đến đuôi. Phần khoanh trên mình so biển dừng lại cách đuôi khoảng 3 - 4 cm. Sam thường sống thành từng cặp, có hình tam giác.
Còn so nhỏ hơn, đuôi tròn và sống đơn lẻ. Khi trưởng thành con so có kích thước nhỏ hơn sam. Kích thước tối đa của so là 25cm, trọng lượng dưới 1 kg. Trong khi đó sam trưởng thành nặng từ 1,5 - 2kg.
Tiết diện đuôi của con sam có hình tam giác, với 3 cạnh chạy dài đến cuối đuôi, trên đó có gai nhọn giống như lưỡi cưa. Còn đuôi của con so thì hình tròn, không có gai. Trong trứng con so chứa chất độc tetrodotoxins.
Giải độc kịp thời có thể cứu sống
Loài so biển gây độc cho người chủ yếu trong thời kỳ sinh sản vì chất độc tập trung chủ yếu ở trứng. Người ăn thịt so, chỉ sau từ 30 phút đến hai giờ sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Hiện thế giới chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxins. Khi xảy ra ngộ độc nói chung và ngộ độc tetrodotoxins nói riêng, việc xử trí ban đầu ảnh hưởng rất nhiều tới những biến chứng sau này, tránh tử vong cho nạn nhân.
Nếu có dấu hiệu bị ngộ độc, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Khẩn trương gây nôn cho bệnh nhân để tống hết thức ăn ra ngoài. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc. Sau khi gây nôn nên uống một tuýp than hoạt, uống oresol bù điện giải.
Nếu bị co giật và ngừng thở, ngừng tim phải cấp cứu khẩn bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Nếu hôn mê, để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi. Sau khi sơ cứu, khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện để xử lý tiếp. Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
(Theo BS. Phan An // Sức khỏe & Đời sống)