Trong cuộc sống căng thẳng như hiện nay không ít người bị chóng mặt, và cứ chóng mặt là lại đổ cho “rối loạn tiền đình” khiến việc chữa bệnh không đúng thầy đúng thuốc.
Chuyện gì cũng có vài… nguyên nhân!
Ảnh: minh họa. |
Rối loạn tiền đình đúng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất thăng bằng đến độ nạn nhân có thể ngã sầm vì bất ngờ tối tăm mặt mũi đi kèm với triệu chứng nôn mửa.
Nhưng nếu vì thế cứ hễ chóng mặt thì gán hết tội cho tiền đình thì sai. Theo thống kê dựa vào tỷ lệ mắc bệnh thì trước hết phải lưu ý đến huyết áp. Chóng mặt có thể vì huyết áp cao nhưng thường hơn là do huyết áp thấp. Để phát hiện rất đơn giản. Chỉ cần đo huyết áp vài lần là biết ngay. Ấy vậy mà không thiếu bệnh nhân uống thuốc trị chóng mặt cả tháng nhưng chưa hề đo huyết áp! Nhiều khi chỉ vì quá đơn giản nên không ai thèm để ý!
Kế đến, chóng mặt rất có thể là hậu quả của bệnh nào đó trong loa tai chưa được điều trị đến nơi đến chốn. Đừng quên là hệ thống loa xoắn ốc bên trong ống tai gắn liền với tình trạng quân bình của cơ thể. Viêm tai giữa, rối loạn thính lực, thiếu máu trong loa tai vì xơ vữa vi mạch… là bàn tay phá hoại giấu rất khéo khiến nạn nhân lúc nào cũng có khuynh hướng nghiêng về một phía. Chóng mặt khi đó sớm muộn không mời cũng đến. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở người quen nghe nhạc quá lớn bằng ống nghe, với đối tượng thường nghiêng đầu vì dùng điện thoại quá thường xuyên.
Chưa hết, chóng mặt có thể do cột sống cổ bị thoái hóa, bị chèn ép. Đây cũng là hình ảnh thường gặp ở người có tư thế ngồi sai vì quá căng thẳng trước màn ảnh máy vi tính, máy truyền hình…, cũng như ở đối tượng phải làm việc đơn điệu nhiều giờ trong dây chuyền sản xuất. Khỏi nói dông dài cũng biết có uống cả lố thuốc cũng như không nếu chưa giải quyết cho xong nguyên nhân nằm ngay sau ót!
Đừng trị bệnh theo… mốt!
Nào đã xong, chóng mặt hầu như có mặt trong cuộc sống của người bị tăng áp lực nội nhãn mà không biết. Do bệnh nhân đồng thời nhức đầu nên có khuynh hướng đến ngay bác sĩ tai mũi họng vì tưởng viêm xoang. Đáng tiếc vì thống kê thực hiện ở TP.HCM với 100 nữ nhân viên làm việc trong văn phòng cho thấy không dưới 30% đã bị tăng áp lực nội nhãn và rối loạn điều tiết thị giác nhưng chưa biết! Có nạo đến sạch xoang, đến sạch túi người bệnh thì chóng mặt vẫn hoàn xoay mòng mòng!
Sau hết, đừng quên chóng mặt không hiếm khi là phản ứng phụ của nhiều loại thuốc khi dùng lâu dài, như thuốc hạ áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc động kinh, thuốc an thần và ít ai ngờ, do thuốc lợi tiểu. Do đó, trong nhiều trường hợp chóng mặt của người cao tuổi vốn khó tránh phải dùng thuốc mỗi ngày, cần báo ngay cho thầy thuốc khi phát hiện tình trạng chóng mặt để thầy thuốc kịp thời rà lại phác đồ điều trị và thay đổi thuốc nếu nghi ngờ thuốc nào đó đã khiến bệnh nhân không ngồi thuyền mà sao cứ như say sóng!
Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Nhiều khi chỉ vì tên gọi nghe êm tai mà khổ cả đời. Rối loạn tiền đình đúng là một trong các nguyên nhân gây chóng mặt. Nhưng đừng vì tên gọi nghe rổn rảng mà bỏ sót các lý do khác. Định bệnh kiểu gì cũng vậy, hễ chữa hoài không xong phải xem lại chẩn đoán. Hippocrates, y tổ của ngành tây y, ắt hẳn vì thế mà đã nhiều lần nhắc nhở qua câu: “Ai chữa lành, người đó có lý”!
(Theo BS Lương Lễ Hoàng // Dân Việt)