Dưỡng sinh tâm thể là bộ môn thuộc lĩnh vực y học năng lượng có tác dụng nhiều trong điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh văn phòng như: nhức mỏi xương khớp, thoái hóa cột sống...
Cô Phan Thị Loan (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, vốn là cán bộ hưu trí), hằng ngày cô chỉ ngồi trong văn phòng, ít vận động, khi về hưu cô được bác sĩ kết luận bị phình lồi đĩa đệm.
Cô Loan đã trải qua những tháng ngày đau đớn với nhiều loại thuốc. Cuối cùng, cô đã tham gia lớp tập dưỡng sinh tâm thể.
Cô chia sẻ: "Tôi tập đến nay được 6 tháng, mỗi ngày tập khoảng 30 phút. Lúc đầu chưa quen cũng thấy hơi mỏi chân tay, nhưng bây giờ không tập như người thiếu thứ gì ấy. Còn bệnh tật, từ chỗ phải nẹp người mới đi được, giờ tôi đã chạy phăm phăm rồi. Bệnh thuyên giảm tới 70%, chỉ có lúc trái nắng trở trời thì hơi đau thôi".
Bất cứ ai cũng có thể tập môn này và cũng không hề kiêng khem điều gì. |
Đặc điểm nổi bật của dưỡng sinh tâm thể là có thể chữa tập thể, với hàng trăm nghìn người cùng một lúc, qua các bài tập.
Bà Đặng Kim Nhung, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng dưỡng sinh Tâm thể Trung ương cho biết: "Để khoẻ mạnh, đối với dưỡng sinh tâm thể có hai phần phải tập. Tập phần "tâm", tức là phần tinh thần, phải tập cách sống tử tế, sống trung thực, yêu thương, vị tha. Thứ hai là tập phần "thể", tức là thể xác, đây là phần đơn giản với những động tác tự nhiên, không ai giống ai, tập theo khả năng của cơ thể mình".
Anh Phan Văn Hùng, hướng dẫn viên môn Dưỡng sinh tâm thể cho hay: "Bất cứ ai cũng có thể tập môn này và cũng không hề kiêng khem điều gì. Thông thường, chúng ta nên tập vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Động tác quan trọng nhất của dưỡng sinh tâm thể là hít thở, đòi hỏi sự phối hợp hài hòa của "ý", của tay và toàn thân.
Mục đích là thu nhận năng lượng tích cực của trời đất, khi hít thở bằng miệng, chú ý đầu lưỡi cong lên chạm vào hàm ếch trên, hai hàm răng khép lại ngăn dòng khí tiêu cực, như ta ăn phải cái gì đó cay, rồi xuýt xoa, "rít" nhẹ. Các động tác xoa, ấn, bấm, day... có tác dụng làm lan tỏa, thấm sâu vào trong cơ thể, khai thông dòng kinh lạc, thông quan tâm lành... Những động tác này tùy vào cơ thể mỗi người mà có thể tập luyện nặng hay nhẹ".
Anh Phan Văn Hùng, hướng dẫn viên môn Dưỡng sinh tâm thể đang ấn, bấm, day... cho cháu Lê Gia Bách. |
Chỉ với vài động tác trên nếu tập thường xuyên thì cơ thể tăng sức đề kháng, đẩy lui bệnh tật. Người bệnh nặng thì cần phải có sự hướng dẫn, tác động năng lượng của hướng dẫn viên. Chứng kiến cháu Lê Gia Bách (Tân Mai, Hà Nội) bị sốt co giật, biến chứng từ khi 4 tháng tuổi, nay cháu 6 tuổi mà không biết khóc, không cảm nhận được đau, đi lại khó khăn, nước dãi chảy ướt hết vùng ngực... qua 3 tháng chữa trị bằng dưỡng sinh tâm thể, được sự tác động của hướng dẫn viên Phan Văn Hùng, cháu đã đỡ hơn rất nhiều.
Bố cháu Bách cho biết: "Bây giờ cháu đã biết cảm nhận đau đớn, biết khóc và biết đi. Nhiều khi cháu còn gọi mẹ, gọi bố, chúng tôi mừng lắm. Đến đây anh Hùng thường xoa, ấn vào đầu, tay, chân, lưỡi cho cháu..."
Gần 15 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh Tâm thể TW đã chữa trị cho khoảng 150.000 người bệnh với trên 30 tỉnh thành thì có 55% chuyển biến 5 - 6 phần và khỏi hẳn, 35 % chuyển biến 3 - 4 phần và 10% không chuyển biến. Dưỡng sinh tâm thể có hiệu quả cao trong điều trị các bệnh về thần kinh, hệ vận động, u bướu, chất độc màu da cam...
Ông Phó Hữu Đức (Phó chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội): Đưa năng lượng tích cực vào cơ thể Dưỡng sinh tâm thể có nét tương đồng với khí công cổ xưa của Trung Quốc là "ý". Tuy nhiên, nó còn đi sâu thêm một bước đó là để có sức mạnh thì "ý"phải trong trẻo, đòi hỏi cả người bệnh và người chữa phải có tâm lành, mục đích cuối cùng là đưa năng lượng tích cực vào cơ thể, đẩy năng lượng tiêu cực ra để cân bằng và khỏi bệnh. TS Phạm Thúc Hạnh (Chủ nhiệm khoa Khí công Dưỡng sinh, Học viện Y dược học Tuệ Tĩnh): Đã tập dưỡng sinh phải kiên trì Dưỡng sinh tâm thể có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và du nhập vào Việt Nam từ thời Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh... Nó đặc biệt hiệu quả với 3 nhóm bệnh: Dùng cho những người stress, suy nhược thần kinh; Phục hồi chức năng hô hấp, cơ khớp thoái hóa; Tăng cường khí lực cho cơ thể. Người tập dưỡng sinh phải thoải mái, và kiên trì, thường xuyên mới có hiệu quả. |
(Theo Hằng Lợi // Báo Bee.net.vn)