Các bộ phận của cây ổi như vỏ rễ, vỏ thân, lá non, búp, quả đều được dùng làm thuốc. Dịch chiết từ các bộ phận của cây ổi có tác dụng kháng khuẩn, làm se niêm mạc và cầm đi tiêu chảy. Tuy vậy, những người đang bị táo bón, bị tả lỵ có tích trệ không được dùng.
Có rất nhiều vị thuốc hay từ cây ổi. |
Chữa chứng tiêu chảy: vỏ dộp ổi hoặc búp ổi 20g, búp hoặc nụ sim, búp vối, búp chè, gừng tươi, hạt cau già, mỗi thứ 12g. Rốn chuối tiêu 20g. Mang tất cả các vị trên sắc đặc uống. Hoặc vỏ dộp ổi 8g, búp ổi 12g, tô mộc 8g, gừng tươi 2g, sắc với 200ml nước còn 100ml. Trẻ từ 2-5 tuổi uống 5-10ml, cách 2 giờ uống một lần. Người lớn uống 20-30ml, mỗi ngày 2-3 lần.
Chữa chứng lỵ mãn tính: lá ổi tươi 30-60g sắc uống. Hoặc quả ổi khô 2-3 quả thái lát sắc uống.
Chữa chứng tiêu hóa không tốt ở trẻ em: lá ổi 30g, tây thảo 30g, hồng trà 12g, gạo tẻ sao thơm 15-30g, sắc với 1000ml cô còn 500ml. uống mỗi ngày: trẻ từ 1-6 tháng tuổi uống 250ml, từ 1 tuổi trở lên uống 500ml, chia uống làm nhiều lần.
Chữa chứng thổ tả: dùng lá ổi, lá vối, lá sim, hoắc hương lượng bằng nhau sắc uống.
Chữa chứng sa trực tràng: lấy một lượng vừa đủ lá ổi tươi sắc kỹ ngâm hậu môn.
Chữa chứng băng huyết: dùng quả ổi sao cháy tồn tính tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g với nước ấm.
Chữa tiểu đường: lá ổi khô 15-20g sắc uống hàng ngày. Hoặc ăn vài quả ổi chừng 200g.
Chữa mụn nhọt mới phát: lá ổi non, lá đào lượng vừa đủ, đem giã nát rồi đắp lên chỗ sưng đau.
(Theo BS Thành Đức // Tienphong Online)