Hỏi: Trẻ bị co giật khi sốt cao có nguy hiểm gì không, có phải trẻ có bệnh gì ở não nên mới bị như vậy, có cách gì phòng ngừa không? Trả lời: Co giật do sốt cao đa số lành tính, cần có xử trí phù hợp, không hốt hoảng. Đặc điểm chung của cơn co giật kiểu này là xảy ra ngay khi bị sốt cao; cơn co giật thường ngắn và số cơn ít; khi hết sốt, cơn co giật sẽ hết, trẻ tỉnh táo, không rối loạn ý thức. Nhiều trẻ có thể bị co giật ngay khi sốt chưa cao (38-390C) Những điều cần làm khi trẻ co giật do sốt cao là: - Đặt trẻ nằm chỗ thoáng mát yên tĩnh, nới rộng quần áo. Để nằm đầu hơi ngửa ra sau và quay sang một bên, để đường thở khỏi bị tắc. Cần tránh ôm chặt trẻ vào lòng vì sẽ làm sốt tăng lên và cản trở đường thở. - Nếu trẻ sùi nhiều đờm dãi, dùng ống thông cao su và bơm tiêm hút qua mũi và miệng hoặc dùng vải gạc lau sạch. Đối với trẻ nhỏ, mẹ có thể dùng miệng mình ngậm cả mũi và miệng trẻ để hút cho trẻ. - Làm giảm thân nhiệt bằng cách dùng khăn nhúng nước ấm lau khắp mình, nhất là các vùng trán, lưng, đùi. Cho uống thuốc hạ nhiệt Paracetamol nếu trẻ có thể uống được hoặc dùng loại thuốc nhét hậu môn (các loại thuốc này nên có sẵn trong tủ thuốc gia đình). - Dùng thuốc chống co giật: Nếu cơn giật ngắn và hết ngay khi giảm sốt thì không nhất thiết phải dùng thuốc an thần. Nếu cơn giật kéo dài và tái phát thì nên dùng thuốc an thần, nhưng các loại thuốc này phải được thầy thuốc chỉ định sử dụng, thường chỉ sử dụng tại cơ sở y tế. Nếu nghi nặng (cơn giật kéo dài, nhiều cơn, sốt kéo dài) cần cho trẻ nhập viện để được chẩn đoán xử trí kịp thời các bệnh ở hệ thần kinh gây co giật. Những điều cần tránh: - Khi sốt cao thường kèm rét run, trẻ có thể đòi đắp chăn, nếu không lấy nhiệt độ, trùm kín chăn hoặc bọc nhiều áo quần làm tăng thân nhiệt của trẻ, rất nguy hiểm. - Không giựt tóc mai, cấu véo làm tăng kích thích. Không cạo gió, nhiều khi làm nặng tay gây tổn thương da, xuất huyết, không có lợi gì; ngoài ra có thể làm cho việc chẩn đoán các bệnh có xuất huyết khó hơn.
(Theo baophuyen)