Nhờ đi bộ thường xuyên nên Wagner (trái) đã kiểm soát được đường huyết. Ảnh: Washington Post |
Cách đây 2 năm, Joannie Zoller Wagner được bác sĩ cảnh báo có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng cô vẫn chủ quan dù chị gái chết vì căn bệnh này. Cho đến 9 tháng sau, khi bác sĩ chẩn đoán Wagner mắc bệnh tiểu đường típ 2, cô mới bắt đầu thay đổi lối sống và giảm cân. Hiện nay, bệnh nhân 55 tuổi này đã ốm đi nhiều. Cô thường xuyên tập thể dục và hàm lượng đường trong máu cũng trở lại mức bình thường. Thành công đó giúp Wagner khỏi phải uống thuốc chữa bệnh.
Những bệnh nhân như Wagner - có thể lật ngược tình thế để tự kiểm soát đường huyết, tránh phụ thuộc vào thuốc – đang thu hút sự quan tâm của giới y khoa. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ đang chuẩn bị nghiên cứu nhóm bệnh nhân này để xác định họ có thể được xem là đã khỏi bệnh hay không.
Thừa cân là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tiểu đường típ 2. Tuy nhiên, những người có thân hình phốp pháp không nên quá bi quan. Theo một nghiên cứu về ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tập thể dục 30 phút mỗi ngày kết hợp với giảm từ 5-10% thể trọng có thể hạn chế gần 60% nguy cơ mắc bệnh. Biện pháp này cũng được cho là hiệu quả hơn việc dùng thuốc để ngăn bệnh phát triển.
Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Philipp Scherer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiểu đường ở Đại học Texas Southwestern, bệnh tiểu đường giống như con đường một chiều, nó có thể dừng (nhờ chế độ ăn và tập luyện) chứ không thể quay đầu lại (nói cách khác là không thể khỏi hẳn). Ngoài ra, hạ đường huyết chỉ là biện pháp tạm thời. Căng thẳng tinh thần, tăng cân và những yếu tố khác có thể khiến đường huyết tăng trở lại.
(Theo CTO/AP)