Kết hợp thực phẩm với thuốc đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn. Ảnh: Talkdrug |
Lời khuyên dành cho bạn mỗi khi uống thuốc là phải đọc kỹ thành phần của thuốc để chắc chắn rằng chúng không “chỏi” chế độ ăn uống của bạn. Ngay cả dược phẩm nổi tiếng, nếu không tương thích với chế độ ăn uống, cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, bên cạnh việc không phát huy tác dụng.
Kháng sinh ‡ sữa, thức uống có cồn và cà phê
Kháng sinh không “hạp” với sữa, cà phê và thức uống có cồn. Kháng sinh có chứa quinolone và tetracycline, nếu dùng với sữa, chế phẩm làm từ bơ sữa, thực phẩm trung hòa axít trong dạ dày (trứng, sữa...) và vitamin chứa sắt, sẽ làm giảm tác dụng của thuốc do các thành phần thuốc sẽ mau chóng bị bài tiết ra ngoài mà không được cơ thể hấp thu. Những thực phẩm vừa kể chỉ nên dùng sau 2 tiếng uống thuốc kháng sinh.
Tốt hơn hết nên tránh dùng kháng sinh chung với thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, nước giải khát có ga, trà xanh và sô-cô-la. Nguyên nhân là do quá trình bài tiết caffeine sẽ bị ức chế và có thể gây triệu chứng như tim đập nhanh, thần kinh kích động (dễ bực dọc, nóng nảy) và mất ngủ. Kháng sinh có thành phần metronidazole “kị” thức uống có cồn. Nếu uống những loại thuốc này chung với rượu, bạn có thể bị nôn hoặc bị rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nóng sốt. Vì thế, nên kiêng rượu ít nhất 3 ngày khi dùng nhóm kháng sinh trên.
Thuốc giảm đau ‡ cà phê và thức uống có cồn
Thuốc giảm đau để hạ sốt, như Tylenol, cũng không “đội trời chung” với thức uống có cồn. Bởi các loại thuốc này có thể gây tổn hại gan và xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt với người nghiện rượu. Và do thức ăn làm trì hoãn quá trình hấp thu thuốc, do đó nên uống thuốc trước khi ăn để thuốc phát huy tốt tác dụng.
Thuốc giảm đau kháng viêm, như aspirin, có thể kích thích bao tử vì thế nên dùng trong bữa ăn hoặc uống với sữa. Tương tự, không nên dùng cùng lúc thuốc giảm đau chứa caffeine với thức uống có caffeine, bởi chúng sẽ làm tăng lượng caffeine trong cơ thể và có thể gây triệu chứng tim đập nhanh và choáng váng.
Thuốc tiêu hóa ‡ nước cam và sô-cô-la
Thuốc trị đầy hơi, khó tiêu không thích hợp với caffeine và nước cam. Tránh dùng thuốc ức chế histamine có tác dụng giảm axít trong dạ dày chung với cà phê, nước giải khát có ga, trà, sô-cô-la bởi chúng có thể làm chứng viêm dạ dày trở nặng do lượng caffeine có trong các loại thức uống đó. Ngoài ra cũng nên kiêng thức uống có cồn. Nước ép trái cây và nước giải khát cũng phải tránh vì chúng làm tăng lượng axít trong dạ dày nên làm giảm hiệu quả của thuốc.
Ngoài ra, thuốc trị táo bón cũng “dị ứng” với sữa. Nhóm thuốc này tác động đến đại tràng và được bao phim để không bị axít trong dạ dày phân hủy. Do sữa có chứa kiềm làm trung hòa axít trong dạ dày nên làm tan lớp bao trước khi thuốc phát huy tác dụng. Tình trạng này có thể dẫn đến tác dụng phụ như đau bụng và vọp bẻ (chuột rút). Nếu bạn đã uống sữa, tốt hơn 1 giờ sau hãy uống thuốc trị táo bón.
(Theo Chosun Ilbo)